Quốc tế

Giá dầu, khí đốt sẽ tiếp tục hạ nhiệt?

07:02, 08/11/2022 (GMT+7)

Các chuyên gia kinh tế nhận định, dựa vào những tín hiệu hiện nay trên thị trường, giá khí đốt và dầu mỏ sẽ tiếp tục giảm. Theo đó, giá dầu sẽ “lao dốc” trong bối cảnh Trung Quốc - một trong những nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất - giảm nguồn cung và tác động từ việc giá trị đồng USD tăng. Trong khi đó, giá khí đốt cũng “hạ nhiệt” mạnh trong những tháng tới do nhiều yếu tố.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.  TRONG ẢNH: Bể chứa dầu và đường ống dẫn dầu thô tại Khu Dự trữ dầu khí chiến lược ở Freeport, Texas (Mỹ). Ảnh: The Hindu Business Line
Giá dầu nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới. TRONG ẢNH: Bể chứa dầu và đường ống dẫn dầu thô tại Khu Dự trữ dầu khí chiến lược ở Freeport, Texas (Mỹ). Ảnh: The Hindu Business Line

Theo Reuters, ngày 7-11, giá dầu giảm hơn 1 USD/thùng sau khi cuối tuần trước Trung Quốc tái khẳng định cam kết duy trì chính sách phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt, qua đó phần nào làm giảm kỳ vọng về nhu cầu dầu phục hồi tại nước này. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao sau giảm 1,24 USD, tương đương 1,26%, xuống còn 97,33 USD/thùng lúc 7 giờ 31 GMT sau khi chạm mức thấp là 96,50 USD trước đó. Trong khi đó, dầu thô WTI của Mỹ ở mức 91,17 USD/thùng, giảm 1,44 USD, tương đương 1,55%, sau khi “chạm đáy” 90,40 USD. Dù nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc tăng trở lại mức cao nhất kể từ tháng 5-2022 nhưng tổng khối lượng trong 10 tháng đầu năm 2022 vẫn thấp hơn 2,7% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ ở mức 413,53 triệu tấn, tương đương 9,93 triệu thùng/ ngày.

Theo chuyên gia phân tích Tina Teng của CMC Markets, bên cạnh động thái nói trên của Trung Quốc thì đồng USD tăng vọt cũng là nhân tố đè nặng lên giá dầu. Đồng USD tăng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục “chính sách diều hâu” với việc tăng lãi suất. Động thái tăng 0,75 điểm phần trăm ngày 2-11 đánh dấu lần nâng lãi suất thứ 4, đưa lãi suất ở Mỹ lên mức cao nhất 3,75 - 4% kể từ tháng 1-2008. Song, điều khiến giới chuyên gia lo ngại hơn chính là tín hiệu từ Chủ tịch FED Jerome Powell khi cho rằng chưa đến lúc giảm tốc độ của chiến dịch chống lạm phát và đỉnh của lãi suất sẽ phải cao hơn. Theo đó, các chuyên gia kinh tế đánh cược, mức tăng lãi suất của FED là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12-2022  và ít hơn trong năm 2023.

Để làm rõ hơn về “ẩn số” giá dầu, các nhà phân tích của ANZ cho biết: “Thị trường đang đối mặt với dấu hiệu suy yếu về nhu cầu dầu do giá vốn đã cao và tình trạng kinh tế suy yếu ở các thị trường phát triển”; đồng thời cho hay, nhu cầu về dầu ở châu Âu và Mỹ đã giảm trở lại bằng mức năm 2019. “Nhu cầu toàn cầu quý 4-2022 chỉ tăng “nhỏ giọt” 0,6 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và ở mức vừa phải trong năm  2023”, ANZ dự báo. Các nhà máy lọc dầu đang tăng sản lượng, đơn cử như các nhà máy lọc dầu của Mỹ đang vận hành các nhà máy với tốc độ “chóng mặt”, gần hoặc cao hơn 90% công suất và ZPC - công ty lọc dầu tư nhân lớn nhất Trung Quốc - cũng có bước đi tương tự.

Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs gần đây dự báo, giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu có thể giảm 30% trong vài tháng tới, khi các nước ở “lục địa già” tạm thời kiểm soát được vấn đề nguồn cung. Ngày 4-11, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF (Hà Lan) - giá tiêu chuẩn của thị trường khí đốt châu Âu - giảm còn xấp xỉ 115 Euro/Mwh. Theo Goldman Sachs, giá của loại năng lượng này sẽ tiếp tục giảm, về mức 85 euro/Mwh quý 1-2023. Nếu dự báo này trở thành hiện thực, đó sẽ là thay đổi đáng kể so với “cơn bão giá” tháng 8-2022, thời điểm giá khí đốt vượt ngưỡng 340 euro/Mwh, mức cao chưa từng có, trước tác động của căng thẳng Nga - Liên minh châu Âu (EU) do liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Theo CNBC, khí đốt ở châu Âu đang “hạ nhiệt” do tác động của nhiều yếu tố, gồm dự trữ khí đốt của lục địa này cho mùa đông 2022 đã vượt chỉ tiêu; nhiệt độ trong mùa thu này không lạnh như dự báo trước đó nên nhu cầu tiêu thụ khí đốt chưa tăng mạnh; nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào… Theo cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt của khu vực đã đạt 94% công suất.

Dù triển vọng về giá khí đốt giảm giúp xoa dịu phần nào khủng hoảng giá sinh hoạt nhưng các nước châu Âu sẽ tiếp tục “đau đầu” với bài toán bảo đảm nguồn cung trong trung hạn. Goldman Sachs cũng cảnh báo, sau chu kỳ giảm nói trên, giá khí đốt sẽ “tăng nhiệt” trở lại vào mùa hè 2023, sau khi kho dự trữ của châu Âu vơi đi và cần bổ sung mới cho mùa đông tiếp theo. Do đó, giá khí đốt nhiều khả năng chạm ngưỡng 250 euro/Mwh tháng 7-2023.  Miguel Stilwell d’Andrade, CEO của Công ty EDP (Bồ Đào Nha) nhận định: “Chắc chắn chúng ta đang ở trạng thái tốt hơn nhiều so với cách đây vài tháng nhưng sắp tới sẽ có nhiều biến động”, qua đó ngụ ý tương lai của giá khí đốt vẫn rất khó để đoán định.

THƯ LÊ

.