Quốc tế
Căng thẳng địa chính trị đe dọa toàn cầu hóa
Các chuyên gia quốc tế nhận định, xung đột trong quan hệ giữa các nước lớn hiện nay đang tệ hơn cả những gì từng xảy ra trong thời Chiến tranh lạnh (1947-1991).
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. TRONG ẢNH: Nhà máy sản xuất máy tính ở tỉnh Giang Tây (Trung Quốc). Ảnh: Getty Images |
Nếu như từ đầu những năm 2000, phi toàn cầu hóa vẫn được coi là giả thuyết, nay xu hướng này đang diễn ra tốc độ nhanh hơn với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nước, gồm các nước lớn. Thực tế này khiến các chuyên gia đặt câu hỏi: Phải chăng toàn cầu hóa đã chấm dứt, nhường chỗ cho xu hướng phát triển mới về kinh tế cũng như chính trị?
Toàn cầu hóa bị đe dọa
Đến nay, những gì diễn ra với hoạt động thương mại của các nước lớn nhất cho thấy, toàn cầu hóa đang bị “phân mảnh” rõ rệt ở nhiều mức độ. Sự cô lập của phương Tây đối với kinh tế Nga sau hàng các lệnh trừng phạt khiến không ít nước liên quan bị ảnh hưởng. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng gây thiệt hại không chỉ với các bên liên quan mà còn lan rộng sang những nước có liên hệ mật thiết về kinh tế, chính trị với hai siêu cường. Thực tế, những chính sách gần đây mà Washington công bố về kiểm soát xuất khẩu chất bán dẫn và các công nghệ liên quan với Trung Quốc cho thấy, đó là bước đi dứt khoát, hành động chiến tranh kinh tế của Mỹ nhằm kéo chậm tốc độ tăng trưởng của đối thủ.
Tuy nhiên, nói như nhà báo Thomas Friedman (tác giả cuốn Chiếc Lexus và cây ô liu), sự phụ thuộc lẫn nhau quá lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến cho ảnh hưởng dội lại từ những “đòn” kinh tế đó với Mỹ không nhỏ hơn bao nhiêu so với những gì phía Trung Quốc phải đối mặt, thậm chí còn hơn. Và dĩ nhiên, điều này cũng gây ra hậu quả lớn khác về địa chính trị. Rõ ràng, không thể có cách nào “không đau đớn” cho các bên khi một bên nào đó muốn “chặt đứt” các mối liên hệ kinh tế đã được thiết lập chặt chẽ trong suốt những giai đoạn toàn cầu hóa trong quá khứ.
Chính xung đột, cạnh tranh về quyền lực là nguyên nhân lớn nhất đe dọa toàn cầu hóa và những lợi ích mà quá trình này mang lại cho nhân loại thời gian qua. Bằng cách củng cố vị thế của mình, các nước lớn muốn làm cho đối thủ của họ kém an toàn hơn, theo đó cũng tạo vòng xoáy tuột dốc nhanh chóng của sự mất niềm tin.
Doanh nghiệp lo ứng phó
Khảo sát tháng 9-2022 của công ty McKinsey (Mỹ) cho thấy, các rủi ro địa chính trị là vấn đề được quan tâm nhất trong chương trình nghị sự của các CEO. Đối mặt với sự phân mảnh cũng như kinh tế thế giới bất ổn, nhiều lãnh đạo chọn giải pháp ứng phó bằng cách tập trung hơn vào tính bền vững cho doanh nghiệp của họ.
Trong ba thập kỷ qua, toàn cầu hóa có nghĩa là tăng cường tính chuyên môn hóa và quy mô sản xuất, phát triển các thị trường và thành lập nhiều công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, toàn cầu hóa đang đứng trước thách thức lớn và các CEO cần biết họ có thể tiếp tục tham gia guồng máy toàn cầu hóa một cách hiệu quả nữa không, và nếu thế thì sẽ như thế nào.
Nhìn về phía trước, những thách thức chắc chắn ngày càng gay gắt hơn. Theo báo cáo Các xu hướng toàn cầu 2040 của Cộng đồng tình báo quốc gia Mỹ, trong hai thập kỷ tới, xu thế cạnh tranh giành ảnh hưởng toàn cầu của các nước lớn sẽ đạt mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh lạnh. “Sẽ không có một nước duy nhất nào chiếm thế áp đảo ở mọi khu vực hay vùng miền, và một loạt các nhân tố rộng lớn hơn sẽ cạnh tranh nhau để thúc đẩy lên trước nhất những tư tưởng, mục tiêu và lợi ích của họ”, theo báo cáo.
Kể từ cách mạng công nghiệp đầu thế kỷ 19, nhân loại trải qua hai giai đoạn thắt chặt hơn của hòa nhập kinh tế xuyên biên giới và một giai đoạn đảo ngược quá trình này. Giai đoạn toàn cầu hóa đầu tiên diễn ra trước năm 1914, giai đoạn thứ hai bắt đầu vào cuối những năm 1940, mở rộng từ cuối những năm 1970 và số nền kinh tế liên kết với nhau nhiều hơn bao giờ hết. Ở khoảng giữa hai giai đoạn toàn cầu hóa này cũng có một giai đoạn phi toàn cầu hóa là hậu quả của hai cuộc chiến tranh thế giới và sau đó là giai đoạn suy thoái toàn cầu và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy. Kể từ khủng hoảng tài chính 2007-2009, toàn cầu hóa không tăng thêm về mức độ nhưng cũng chưa tới mức bị đảo ngược và theo hướng phi toàn cầu hóa, nhưng nguy cơ đảo ngược của quá trình này đã xuất hiện |
TRẦN ĐẮC LUÂN