Quốc tế

Chờ cái gật đầu từ Thổ Nhĩ Kỳ

08:57, 26/11/2022 (GMT+7)

Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) hồi tháng 5-2022, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, qua đó hướng đến chấm dứt nhiều thập niên trung lập. Đến nay, 28 trong tổng số 30 quốc gia thành viên NATO đã phê chuẩn các thỏa thuận về việc kết nạp hai nước Bắc Âu này, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ vì những lý do khác nhau.

Trong tín hiệu khả quan mới nhất, tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm Visegarad (gồm Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary) ngày 24-11, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, nước này sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm 2023. Theo kế hoạch, Quốc hội Hungary sẽ thông qua các nghị định thư kết nạp hai quốc gia Bắc Âu nói trên vào NATO ngay sau khi chính phủ phê chuẩn. Tháng 10-2022, Chánh văn phòng của ông Orban báo hiệu rằng Budapest dự định bật đèn xanh cho việc mở rộng liên minh muộn nhất vào giữa tháng 12.

Đến nay, ngày cụ thể để Quốc hội Hungary họp và thông qua việc kết nạp nói trên vẫn chưa được xác định, vì thông thường Quốc hội Hungary sẽ không họp cho đến tháng 2 hằng năm. Dù vậy, cơ quan này cũng có thể triệu tập phiên họp bất thường sớm hơn để thông qua quyết định này. Trước đó, việc Hungary trì hoãn kế hoạch mở rộng NATO đã gây khó chịu cho các nước thành viên khác của nhóm Visegarad là Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovakia, những nước vốn ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất.

Như vậy, “nút thắt” cuối cùng đang cản trở bước đường gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan chính là thái độ cứng rắng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara vẫn cho rằng, hai nước Bắc Âu “chứa chấp” những người có liên quan các tổ chức bị Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách khủng bố, như đảng Công nhân Kurd (PKK), hay những người theo giáo sĩ Fethullah Gulen - nhân vật bị Ankara cáo buộc đứng sau âm mưu đảo chính hồi năm 2016.

Trong động thái nhượng bộ, tháng 6-2022, Thổ Nhĩ Kỳ ký bản ghi nhớ với Phần Lan và Thụy Điển về việc Ankara sẽ phê duyệt hai nước vào NATO nếu Helsinki và Stockholm nỗ lực chống khủng bố. Tuy nhiên, thời gian qua, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc Thụy Điển tài trợ cho PKK. Để nhanh chóng rộng đường gia nhập NATO, chính phủ mới của Thụy Điển tuyên bố sẽ chấm dứt liên hệ với YPG, lực lượng dân quân người Kurd ở miền bắc Syria có liên hệ với PKK và là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS.

Không những vây, để khai thông bế tắt, tân Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Ankara ngày 8-11 nhằm thuyết phục Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đồng ý để Thụy Điển gia nhập NATO. Tại cuộc gặp, ông Erdogan đưa ra thông điệp rõ ràng: Thụy Điển sẽ gia nhập NATO một khi cho dẫn độ những phần tử mà Ankara coi là khủng bố. Điều này không chỉ liên quan đến đảng PKK mà còn bao gồm cả những người trung thành với giáo sĩ Gülen.

Về phần mình, Thủ tướng Kristersson khẳng định quyết tâm của Thụy Điển trong nỗ lực đẩy mạnh hợp tác chống khủng bố. Ông Kristersson cho hay: “Thụy Điển sẽ thực thi tất cả cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo đó, từ nay đến cuối năm và đầu 2023, Thụy Điển sẽ có những bước tiến lớn, chẳng hạn tăng cường công cụ pháp lý chống khủng bố trên lãnh thổ quốc gia bất luận đó là những hoạt động khủng bố nhắm vào Thụy Điển hay Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ngày 25-11, người phát ngôn đảng AK cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik tiết lộ lý do mà Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. “Chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều đồng minh phương Tây không giữ lời hứa về chống khủng bố”, ông Celik lý giải. Hay nói một cách khác, Ankara chỉ tin vào hành động thực chất để đưa ra quyết định cụ thể chứ không tin vào những lời hứa?!

TUYẾT MINH

.