Quốc tế
Những thách thức đặt ra tại COP27
Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) diễn ra tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) từ ngày 6 đến 18-11 với sự tham gia của hơn 40.000 người.
Những vấn đề trọng tâm của COP27 gồm nỗ lực hiện thực hóa cam kết trước đó về giảm khí thải hiệu ứng nhà kính cũng như giải quyết “điểm nghẽn” về tài chính và tăng cường tài trợ các nước nghèo để ngăn chặn khủng hoảng khí hậu.
Ngày 2-11, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, đồng thời là Chủ tịch COP27, kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới và cộng đồng quốc tế thực hiện các bước thiết thực và ý nghĩa theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, nhằm hướng tới mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2oC từ nay đến năm 2100. Đây là nhu cầu chủ chốt của các nước nghèo vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nước biển dâng và các tác động khác của biến đổi khí hậu.
Thực tế, các cuộc đàm phán tại COP26 năm ngoái ở Glasgow (Anh) kết thúc với việc các quốc gia cam kết hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều không đặt ra các mục tiêu về cắt giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với giới hạn nhiệt độ này, cũng như không đưa ra chính sách cụ thể để thực hiện. Thậm chí, một số quốc gia giàu có, gồm Anh, Mỹ và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), lại gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng khiến giá khí đốt tăng vọt. Động thái này đi ngược lại các mục đích trước đây mà chính họ đặt ra, qua đó đặt thế giới vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
Trước đó, ngày 27-10, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên mọi mặt trận; đồng thời cảnh báo, cánh cửa kiểm soát tình trạng nhiệt độ nóng lên đang khép dần. Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), các quốc gia phải chấm dứt ngay tình trạng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch và đầu tư hơn nữa vào năng lượng tái tạo bởi trái đất đang nóng lên ở mức có thể phá hủy thành quả kinh tế.
Ngoài mục tiêu cắt giảm lượng khí thải bị “lu mờ”, tài chính cũng là thách thức rất lớn đối với COP27 nói riêng và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nói chung. Các quốc gia giàu có vẫn chưa thực hiện cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển khoảng 100 tỷ USD mỗi năm, dù Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) ước tính chi phí để thích ứng với tình trạng này có thể lên tới 1.000 tỷ USD/ năm vào năm 2050 nếu trái đất tiếp tục nóng lên.
Ông Mahmoud Mohieldin, nhà vận động chống biến đổi khí hậu của COP27 cho biết, châu Phi hiện chỉ nhận được khoảng 29,5 tỷ USD/năm, trong đó 14,6 tỷ USD dành cho giảm nhẹ tác động và khoảng 11,4 tỷ USD cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong khi đó, “lục địa đen” cần tới 2.800 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2030, với trung bình 277 tỷ USD/năm cho cuộc chiến này. Khoảng 600 triệu người ở châu Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng. Nếu các nước phát triển không cung cấp cả hỗ trợ tài chính và công nghệ cần thiết cho các dự án năng lượng tái tạo thì người dân lục địa này buộc phải sử dụng năng lượng không thân thiện với môi trường như nhiên liệu hóa thạch, qua đó vô hình trung “tiếp tay” cho khủng hoảng khí hậu.
Có thể nói, trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều thách thức phức tạp, đặt biệt là khủng hoảng năng lượng chưa từng có và xung đột ở Ukraine làm chao đảo kinh tế toàn cầu, việc tạo dựng các thỏa thuận về ngăn chặn biến đổi khí hậu tại hội nghị COP27 sẽ gặp trở ngại hơn bất kỳ cuộc đàm phán nào trước đây. Các nhà quan sát cảnh báo, một khi các nước lùi bước hoặc đi chệch hướng so với những cam kết nỗ lực duy trì các thỏa thuận và hiểu biết đã đạt được ở Paris và Glasgow trước đây, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng ấm lên toàn cầu ở mức trên 2oC và có thể lên đến 3,6oC. Điều đó sẽ là “thảm họa” cho cả nhân loại.
TUYẾT MINH