Quốc tế

Thế giới tuần qua: Thảm kịch động đất ở Indonesia; EU không thống nhất được giá trần khí đốt

07:53, 27/11/2022 (GMT+7)

Thế giới tuần qua đã ghi nhận nhiều sự kiện quan trọng, trong đó nổi bật nhất là thảm họa động đất khiến 310 người thiệt mạng ở Indonesia và đàm phán giá trần khí đốt của EU vẫn bế tắc.

Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ động đất ở Cianjur. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng cứu hộ chuyển thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ động đất ở Cianjur. Ảnh: THX/TTXVN

Ít nhất 310 người thiệt mạng vì động đất   

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức Indonesia cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất xảy ra ở đảo Java của Indonesia vào đầu tuần này đã tăng lên 310 người, sau khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thêm nhiều thi thể bị vùi lấp dưới đất lở. Ít nhất 24 người vẫn mất tích.

Ông Henri Alfiandi, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia, cho biết các thi thể vừa được tìm thấy hôm 25-11 tại hai khu vực thuộc huyện miền núi Cianjur, nơi vừa trải qua một trận sạt lở nghiêm trọng mang theo hàng tấn bùn, đá và cây đổ.

Cùng ngày, hàng trăm người Indonesia đã tham gia lễ cầu nguyện cho các nạn nhân được tổ chức ở các không gian ngoài trời thay vì trong các đền thờ do người dân lo ngại nguy cơ tiếp tục xảy ra động đất. Trên thực tế, hàng trăm đợt dư chấn đã xảy ra sau động đất, liên tục làm rung chuyển vùng đồi núi trên đảo Java. Nhiều người dân trong khu vực hiện vẫn đang tạm trú tại các khu sơ tán, cần được tiếp tế thực phẩm, nước uống và thuốc men.

Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất với không ít vụ mạnh hơn nhiều so với trận hôm 21-11. Nhưng các chuyên gia cho biết độ nông của tâm chấn ngày hôm đó và cơ sở hạ tầng yếu kém đã góp phần khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn. Trận động đất xảy ra ở độ sâu 10 km này cũng đã gây tình trạng hoảng loạn ở thủ đô Jakarta, cách đó khoảng ba giờ lái xe, khiến các tòa nhà cao tầng rung chuyển và một số người phải sơ tán.

Những ngôi nhà bị phá huỷ do động đất ở Cianjur. Ảnh: THX/TTXVN
Những ngôi nhà bị phá huỷ do động đất ở Cianjur. Ảnh: THX/TTXVN

Người đứng đầu Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia, ông Suharyanto cho biết lực lượng cứu hộ sẽ tiếp tục đào vét bùn đất và tìm kiếm nạn nhân cho đến khi việc xây dựng lại bắt đầu. “Chúng tôi sẽ tìm đến người cuối cùng. Không có bất kỳ sự cắt giảm nào, về sức mạnh, sự nhiệt tình hay trang thiết bị”, ông Suharyanto nói.

Ông cho biết việc phân phối thực phẩm và các nguồn viện trợ khác đang được cải thiện và đã tiếp cận được với nhiều người hơn tại 110 điểm sơ tán.

Ước tính, trận động đất đã làm hư hại ít nhất 56.000 ngôi nhà và khiến ít nhất 36.000 người phải sơ tán. Hàng trăm cơ sở công cộng bị phá hủy, trong đó có 363 trường học.

Một trận động đất có có độ lớn như vậy thường không gây ra thiệt hại nghiêm trọng ở mức này. Tuy nhiên, thảm họa xảy ra đầu tuần qua dù không quá mạnh nhưng đã làm rung chuyển một khu vực đông dân cư vốn thiếu cơ sở hạ tầng để chống động đất.

Đáng chú ý, đất nước có hơn 270 triệu dân này thường xuyên phải hứng chịu động đất, núi lửa phun trào và sóng thần do nằm trên vòng cung núi lửa và đường đứt gãy ở lòng chảo Thái Bình Dương được gọi là “Vành đai lửa”.

Hồi tháng 2, một trận động đất độ lớn 6,2 làm ít nhất 25 người thiệt mạng và 460 người bị thương ở tỉnh Tây Sumatra. Tháng 1-2021, một trận động đất tương tự đã giết chết trên 100 người và làm bị thương gần 6.500 người ở tỉnh Tây Sulawesi.

Đàm phán về giá trần khí đốt lâm vào bế tắc

Các bộ trưởng năng lượng của châu Âu đã không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề hạn chế giá khí đốt tự nhiên của Nga sau nhiều vòng thảo luận căng thẳng.

Bộ trưởng Công thương Cộng hòa Séc, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), ông Jozef Sikela cho biết các bộ trưởng của khối này đã nỗ lực thông qua một số biện pháp quan trọng khác, trong đó có việc mua chung khí đốt để tránh cạnh tranh trong nội bộ EU dẫn đến tăng giá, đoàn kết trong những thời điểm cần thiết và cấp phép nhanh chóng cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Cuối tháng 10 vừa qua, 27 nhà lãnh đạo các nước thành viên đã ủng hộ về việc hạn chế giá khí đốt tự nhiên sau nhiều tháng thảo luận và tìm cách giải quyết tốt nhất cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan hành pháp của EU - và các bộ trưởng năng lượng của khối này sau đó đã được giao nhiệm vụ xử lý những khác biệt còn tồn tại.

Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. AFP/TTXVN
Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. AFP/TTXVN

Tuy nhiên, sự khác biệt này gay gắt  đến nỗi các bộ trưởng năng lượng EU chưa thể tìm ra cách thỏa hiệp và thay vào đó là triệu tập một cuộc họp khẩn cấp mới vào giữa tháng 12.

“Tình hình căng thẳng có thể thấy rõ”, một quan chức EU theo dõi các cuộc thảo luận trên tiết lộ với kênh CNBC trong điều kiện giấu tên.

Trong nỗ lực để thuyết phục mọi thành viên tham gia, EU đã đề xuất mức trần ở mức 275 euro mỗi megawatt giờ. Đề xuất giá trần sẽ chỉ được kích hoạt nếu giới hạn 275 euro bị vượt qua liên tục trong vòng ít nhất 2 tuần, đồng thời giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng trên 58 euro trong 10 ngày trong cùng thời gian đó.

Các quốc gia mong muốn triển khai mức trần giá khí đốt, đáng chú ý nhất là Ba Lan, Tây Ban Nha và Hy Lạp, đã nhận xét đề xuất trên là phi thực tế vì nó cao đến mức khó có thể kích hoạt. “Mức trần giá khí đốt đề xuất hiện nay không làm hài lòng bất kỳ quốc gia nào. Nó như thể một trò đùa”, bà Anna Moskwa, Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan phát biểu tại Brussels hôm 24-11.

Điều này phản ánh lập trường của các quốc gia EU nghèo hơn và mắc nợ nhiều. Với ít khả năng tài chính để hỗ trợ người tiêu dùng trong nước, các quốc gia này cần các biện pháp trên toàn EU để kiềm chế chi phí năng lượng.

Bộ trưởng An ninh năng lượng và Môi trường Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết 15 nước thành viên EU kêu gọi áp giá trần khí đốt đã quyết định bác bỏ cơ chế giới hạn mà Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất. Ủy viên châu Âu phụ trách Năng lượng Kadri Simson cũng xác nhận các đại sứ của EU không nhất trí được về việc áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga và các cuộc đàm phán vẫn tiếp diễn.    

Các bộ trưởng năng lượng EU dự kiến gặp lại nhau vào ngày 13-12, ngay trước khi các nguyên thủ quốc gia đến Brussels dự hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng trong năm. Cho đến lúc đó, đề xuất của EC có khả năng bị thay đổi nhằm đáp ứng nguyện vọng của mọi thành viên.

Giá hợp đồng tương lai theo tiêu chuẩn châu Âu của Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu (TTF) đã đóng cửa ở mức khoảng 129 euro mỗi megawatt giờ vào hôm 24-11. Con số này đã đạt đỉnh vào hồi tháng 8 với gần 350 euro mỗi megawatt giờ.

Cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo những nỗ lực của phương Tây nhằm áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên thế giới. Ông nhấn mạnh rằng những hành động như vậy "trái với các nguyên tắc của quan hệ thị trường và rất có nguy cơ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường năng lượng toàn cầu".

Theo Baotintuc.vn

.