Quốc tế

Tuần lễ Cấp cao APEC 2022: Lộ trình phục hồi và tăng trưởng bền vững

06:17, 17/11/2022 (GMT+7)

Ngày 16-11, các lãnh đạo kinh doanh từ Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) đã thảo luận về lộ trình thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh chóng và bền vững, lấy lại đà tăng trưởng bền vững, bao trùm và bền bỉ.

Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit, địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Quang cảnh bên ngoài Trung tâm Hội nghị quốc gia Queen Sirikit, địa điểm tổ chức Hội nghị Cấp cao APEC, tại Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

ABAC có nhiệm vụ chính là đưa ra những khuyến nghị và cố vấn cho các thành viên APEC về những vấn đề gây lo ngại và những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh. ABAC đã công bố Báo cáo cho các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và báo cáo về lĩnh vực kinh doanh.

Chủ tịch ABAC Kriengkrai Thiennukul cho biết những rào cản, trong đó có mất ổn định lương thực và năng lượng, những tác động từ đại dịch Covid-19, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và gia tăng áp lực lạm phát đang cản trở những nỗ lực của khu vực nhằm đạt mục tiêu trở thành một cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương mở, năng động, bền bỉ và hòa bình vào năm 2040.

Trong báo cáo cho các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC, ABAC kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC triển khai những chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát và những chính sách tài khóa nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát xoắn ốc giá tiền lương trong ngắn hạn. Báo cáo cũng nhấn mạnh cần tháo gỡ cuộc khủng hoảng an ninh lương thực, xóa bỏ những hạn chế đối với dòng chảy hàng hóa và dịch vụ thiết yếu để đối phó với đại dịch.

Theo ông Thiennukul, để đạt được tăng trưởng bền vững và bao trùm, các nền kinh tế APEC nên cải tiến hướng tới tính bền vững, tăng cường hội nhập kinh tế và thúc đẩy môi trường thuận lợi thông qua quá trình số hóa.

Trong khi đó, báo cáo về lĩnh vực kinh doanh đã đề cập 5 yếu tố đồng hành và cùng củng cố thành công cho hoạt động kinh doanh, gồm chuỗi cung ứng, phát triển doanh nghiệp khu vực, kinh tế kỹ thuật số, lực lượng lao động và bối cảnh ESG (môi trường, xã hội và quản trị) đang nổi lên. Đây là những yếu tố dẫn tới sự khác biệt và tính cạnh tranh giúp các doanh nghiệp thành công trong khu vực.

Theo TTXVN

.