Quốc tế

Đâu là vật cản trong quan hệ Trung-Ấn?

09:25, 27/12/2022 (GMT+7)

Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia có diện tích rộng, dân số trên một tỷ người và tầm ảnh hưởng lớn ở châu Á cũng như thế giới về chính trị - kinh tế lẫn quân sự. Tuy nhiên, quan hệ song phương không ổn định mà nguyên nhân cốt lõi cho những bất đồng chính là tranh chấp về biên giới được cho là bắt đầu từ năm 1914.

Đối đầu biên giới giữa hai nước xảy ra năm 1962 nhưng các thỏa thuận như Đường Kiểm soát thực tế (LAC) quy định “không bên nào được nổ súng, sử dụng hóa chất nguy hiểm, tiến hành các vụ nổ hoặc săn bắn bằng súng hay chất nổ trong phạm vi 2km từ LAC” giúp hạ nhiệt căng thẳng, tạo điều kiện cho hai bên thúc đẩy hợp tác ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt kinh tế, thương mại. Sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền, quan hệ song phương bước vào giai đoạn nồng ấm khi Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Manmohan Singh thăm Bắc Kinh năm 2013. Tại cuộc gặp, ông Singh nhận định, hai nước ở giai đoạn then chốt của phát triển, có lợi ích chung rộng lớn và tiềm năng hợp tác mạnh mẽ. Ông Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc luôn coi Ấn Độ là đối tác chiến lược tại châu Á.

Tuy nhiên, căng thẳng biên giới lại leo thang với các cuộc đối đầu quy mô nhỏ những năm sau đó với đỉnh điểm là cuộc đụng độ vào tháng 6-2020 ở thung lũng Galwan trên dãy Himalaya. Ngay sau sự vụ này, Ấn Độ thay đổi đáng kể chính sách đối nội và đối ngoại, chú trọng ứng phó với rủi ro từ phía bên kia biên giới.

Chính quyền của Thủ tướng Modi chuyển từ tăng cường quan hệ kinh tế với Bắc Kinh sang áp các hạn chế hoặc giám sát chặt chẽ hoạt động của các đối tác Trung Quốc ở Ấn Độ. Họ đặt ra các hạn chế đối với đầu tư của Trung Quốc, quyền tiếp cận các hợp đồng mua sắm công ở Ấn Độ và hoạt động của các công ty, tổ chức Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, công nghệ, viễn thông, xã hội dân sự và giáo dục. Căng thẳng với Bắc Kinh còn thúc đẩy New Delhi chuyển sang hợp tác với các nước khác, đặc biệt là phương Tây. Chính phủ của ông Modi ký kết các thỏa thuận với Úc, Canada, Israel, Các Tiểu vương Arab thống nhất (UAE), Anh và Liên minh châu Âu (EU); đồng thời tìm nguồn đầu tư lớn hơn từ các thị trường ngoài phương Tây, như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Trung Đông.

Về đối ngoại, Ấn Độ liên kết mạnh mẽ hơn với các nước phương Tây giúp củng cố vị thế của nước này về quốc phòng, an ninh kinh tế và công nghệ. Thậm chí, nước Nam Á này còn tiến hành diễn tập với quân đội Mỹ gần biên giới Trung-Ấn, tham gia nhóm “Bộ Tứ kim cương” (QUAD) cùng với Úc, Nhật Bản và Mỹ, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh.

Trong khi đó, tình hình biên giới Trung-Ấn vẫn diễn biến phức tạp. Vụ đối đầu gần đây nhất xảy ra hôm 9-12 giữa binh lính của hai bên tại khu vực Tawang của bang Arunachal Pradesh. Ngày 20-12, tư lệnh cấp quân đoàn của hai nước gặp nhau để ngăn chặn nguy cơ bùng phát xung đột. Ngày 25-12, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị Phát cho biết, hai bên đang liên lạc với nhau thông qua các kênh ngoại giao và quân sự, đồng thời khẳng định nước này sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để hướng tới phát triển ổn định và lành mạnh quan hệ Trung-Ấn. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, hai nước nhất trí duy trì an ninh và ổn định trên thực địa ở khu vực phía tây LAC, giữ liên lạc chặt chẽ; đồng thời sớm tìm giải pháp có thể chấp nhận được cho các vấn đề tồn đọng.

Rõ ràng, vụ đụng độ biên giới vừa qua cho thấy, cơ chế kiểm soát biên giới hiện nay theo các thỏa thuận trước đây không còn đáp ứng nhu cầu thực tế của hai cường quốc đang nổi lên. Nếu hai bên không chuyển hóa và nâng cấp quan hệ song phương thì vụ việc tương tự có thể xảy ra với những hệ quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến đường hướng chiến lược và triển vọng phát triển của đôi bên. Việc xử lý những vật cản hiện hữu trên biên giới là nhiệm vụ ở tầm chiến lược mà cả hai nước cần ngồi vào bàn đàm phán để tìm các thỏa thuận thích hợp nhất.

TUYẾT MINH

.