Quốc tế

Nỗ lực bảo đảm di cư an toàn, hợp pháp

09:12, 20/12/2022 (GMT+7)

Vấn đề di cư là câu chuyện diễn ra suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, do nhiều yếu tố khác nhau như chiến tranh,xung đột sắc tộc, tôn giáo, thiên tai, hay đơn thuần là tìm nơi ở mới, chính sách thu hút nhân tài của các nước…

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số lượng người di cư toàn cầu tăng nhanh trong 5 thập niên qua. Những yếu tố như chiến tranh, suy thoái kinh tế do Covid-19, thất nghiệp, biến đổi khí hậu đã thúc đẩy hàng triệu người rời bỏ quê hương. Số người di cư hiện ở mức hơn  281 triệu, chiếm 3,6% dân số thế giới.

Dự báo đến năm 2030, con số này sẽ chạm mốc 350 triệu. Trong giai đoạn 2017-2019, số lượng người lao động di cư ra nước ngoài  tăng từ 164 triệu lên 169 triệu người, chiếm 5% lực lượng lao động toàn cầu. Covid-19 hoành hành gần 3 năm qua khiến số lao động di cư có xu hướng gia tăng. Tỷ lệ lao động di cư tại châu Âu, Trung Á và châu Mỹ chiếm gần 64%.

Vấn đề lớn đặt ra cho cộng đồng quốc tế là tình trạng di cư trái phép, không kiểm soát đã dẫn tới những hậu quả khôn lường Kể từ năm 2014, hơn 50.000 người di cư thiệt mạng trên hành trình đến miền đất hứa. Riêng trên tuyến đường di cư trung Địa Trung Hải vào châu Âu, tổng cộng ít nhất 2.836 người chết và mất tích từ năm 2021 đến ngày 24-10-2022. Điển hình là vụ gần 100 người thiệt mạng trong thảm kịch lật thuyền trên biển Địa Trung Hải hồi đầu tháng 4-2022. Thảm kịch khác cũng gây rúng động khi 53 thi thể người di cư được phát hiện trong thùng xe đầu kéo ở ngoại ô thành phố San Antonio (Mỹ).

Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng di cư lớn kể từ năm 2015 do hàng nghìn người di cư và tị nạn từ các quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi đổ về. Nếu EU không có giải pháp rốt ráo, cuộc khủng hoảng di cư mới sẽ là điều khó tránh. Tương tự, tại Đông Nam Á, hàng nghìn lao động di cư đã bị các nhóm buôn người lừa gạt, dụ dỗ tìm “việc nhẹ lương cao” ở một số quốc gia như Campuchia, Thái Lan và Myanmar, sau đó bị đưa sang làm việc bất hợp pháp, bị bóc lột sức lao động tại các sòng bạc.

Thực tế, hoạt động di cư hợp pháp cho phép hàng triệu người tìm kiếm cơ hội mới, tạo thuận lợi cho cả cộng đồng nơi họ xuất phát cũng như nơi mà họ chọn làm điểm đến. Xét về lao động di cư, tác động tích cực đối với nơi đi là giải quyết được các vấn đề lao động dư thừa, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo, đóng góp phát triển quê hương, tạo nguồn lao động có chất lượng khi họ trở về... Đối với nơi đến, lao động di cư bù đắp sự thiếu hụt lao động có kỹ năng cho quá trình cơ cấu lại kinh tế, phát triển dịch vụ.

Là điểm đến hấp dẫn, nhân ngày Quốc tế người di cư (18-12), Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh sự cần thiết của di cư an toàn, hợp pháp và được quản lý tốt nhằm khai thác tiềm năng to lớn của khả năng di chuyển của con người. Đó là khoản đầu tư vào nền kinh tế và toàn xã hội, hỗ trợ các lĩnh vực chính như quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh của EU, đồng thời góp phần làm cho châu Âu trở nên cạnh tranh, gắn kết và kiên cường hơn. 

Trong nỗ lực tìm lối thoát cho cuộc khủng khoảng di cư nhức nhối, cộng đồng quốc tế cần chung tay thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự; đồng đấu tranh, ngăn chặn nạn di cư bất hợp pháp, nạn lừa gạt, buôn bán người... để bảo đảm quyền lợi của các bên có liên quan.

TUYẾT MINH

.