Quốc tế
Các nhà sản xuất điện tử tìm cơ hội tại Đông Nam Á
Thời gian qua, giới công nghệ chứng kiến xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất của các nhà cung cấp linh kiện điện tử lớn ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó Đông Nam Á trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn.
Tập đoàn Foxconn vừa thuê thêm khu đất mới để mở xưởng sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Reuters |
Ngay từ tháng 1-2023, Bloomberg tiết lộ việc hai tập đoàn Foxconn và Pegatron, các đối tác lớn của Apple, đã chọn Đông Nam Á là khu vực trọng điểm trong kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất năm nay. Tín hiệu này cho thấy các nhà sản xuất điện tử lớn của thế giới sẽ còn tiếp tục quá trình dịch chuyển và bổ sung năng lực sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc để giảm nhẹ những nguy cơ tác động về kinh tế cũng như địa chính trị. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển quy mô của mình tại Trung Quốc đại lục, châu Mỹ và Đông Nam Á, và những nỗ lực này sẽ nở rộ trong năm 2023”, Chủ tịch Tập đoàn Foxconn Young Liu tuyên bố tại sự kiện của công ty hồi đầu năm nay.
Tập đoàn Pegatron, đối tác sản xuất của hãng xe điện Tesla (Mỹ), gần đây cho biết, năm nay họ dự kiến dành từ 300 - 350 triệu USD để nâng cao năng lực sản xuất tại Đông Nam Á và tăng cường chuỗi sản xuất linh kiện ô-tô tại Mexico. “Sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng là xu hướng diễn ra hiện nay”, ông Johnson Teng, đồng Giám đốc điều hành của Pegatron khẳng định.
Không chỉ sản xuất điện thoại iPhone cho Apple tại Trung Quốc, Foxconn và Pegatron cũng là những đối tác sản xuất điện thoại cho Apple tại Ấn Độ. Theo ông Jason Cheng, Phó Chủ tịch Pegatron, doanh nghiệp này cũng sẽ mở rộng thêm năng lực sản xuất tại Việt Nam và Indonesia, nơi họ có sẵn các nhà máy sản xuất.
Theo khảo sát cuối năm ngoái của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đối với các doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc), có tới 63,1% trong số đó đã chọn tới Đông Nam Á sau khi quyết định dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo The Economic Times, các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn bắt đầu gia tăng đáng kể các cơ sở sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump khi chính quyền của ông áp đặt thuế quan cứng đối với một số hàng nhập khẩu của Trung Quốc như một phần của cuộc chiến thương mại với nước này. Một số nhà cung cấp thiết bị điện tử đã đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi sản xuất trong bối cảnh các đợt phong tỏa kéo dài trước đó do Covid-19 ở Trung Quốc.
Nếu như trước đây từng được biết tới như một trung tâm sản xuất của quần áo, giày dép, thời gian qua Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất mới tại Đông Nam Á trong lĩnh vực hàng hóa điện tử. Nhiều tập đoàn điện tử lớn đã có nhà máy ở Việt Nam như Samsung, LG, Intel, Amkor Technology, Panasonic, Canon, Foxconn, Pegatron, Goertek, Luxshare, Wistron, Foster Electric,…
Không chỉ thu hút các “gã khổng lồ” sản xuất linh kiện điện tử, các nước Đông Nam Á cũng đang trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư về tài chính. Đáng chú ý, những căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc khiến Singapore ngày càng có thêm cơ hội để trở thành trung tâm tài chính lớn nhất châu Á. Vị thế này của Singapore đã được nâng lên đáng kể với dòng đầu tư đổ vào từ Trung Quốc. Số các quỹ gia đình của Trung Quốc tại Singapore đã tăng lên từ chỉ số lượng nhỏ của vài năm trước lên ước tính khoảng 600 như hiện nay.
Cùng với đó, khoảng 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã đăng ký hoạt động trong năm qua, theo Financial Times. Tờ báo chuyên về thông tin tài chính này cũng cho rằng, không ngạc nhiên khi rất nhiều trong số các ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ, châu Âu và Nhật đã và đang điều động số nhân viên cao cấp của họ từ Hong Kong tới Singapore ngày một nhiều hơn. “Dòng vốn di chuyển nhanh đến các địa điểm an toàn với tỷ lệ hoàn vốn cao nhất. Ở châu Á, đó chính là Singapore”, ông Drew Thompson, học giả tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nhận định.
Đối tác lớn của Apple mở xưởng sản xuất ở Việt Nam Ngày 15-2, South China Morning Post cho biết, Foxconn, công ty có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), thuê khu đất rộng 45ha tại Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) với giá khoảng 62,5 triệu USD trong 35 năm (tới tháng 2 -2057) để đáp ứng các nhu cầu vận hành và mở rộng năng lực sản xuất. Từ tháng 8-2022, Foxconn đã ký hợp đồng 300 triệu USD với đối tác ở Việt Nam để xây dựng nhà máy mới tại Bắc Giang để sản xuất máy tính bảng iPad và tai nghe AirPod. Những tác động của dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max và kéo dài suốt tháng 12-2022. Vấn đề này được ông Tim Cook, CEO của Apple nêu trong cuộc họp thảo luận về tình hình tài chính đầu tháng này. Theo đó, ông Cook xác nhận các kế hoạch của Apple trong việc tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện thoại iPhone. “Chỉ với điện thoại iPhone, hiện có các linh kiện do nhiều nước trên thế giới sản xuất, và chuỗi lắp ráp cuối cùng tại 3 nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục tối ưu hóa điều này theo thời gian”, ông Cook nói. |
TRẦN ĐẮC LUÂN