Quốc tế

Sức nóng liệu có cân bằng tại sự kiện Munich?

09:13, 18/02/2023 (GMT+7)

Diễn ra trong bối cảnh lo ngại về sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các thể chế, Hội nghị an ninh Munich lần thứ 59 (MSC59) đang đứng trước lời kêu gọi mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về nỗ lực tái cấu trúc với tầm nhìn an ninh mới.

Trong thời gian gần đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng. Đáng chú ý, tình trạng hoạt động thiếu hiệu quả mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng gọi là “cái chết não của NATO”, chiến lược xoay trục của Mỹ sang châu Á - Thái Bình Dương và nhất là cuộc xung đột Nga - Ukraine dai dẳng đã buộc MSC phải quay trở lại với sứ mệnh và giá trị cốt lõi của nó: tái tạo hoàn toàn trật tự an ninh ở châu Âu.

MSC59, diễn ra từ ngày 17 đến 19-2 tại Đức sẽ tập trung lý giải sự chuyển biến phức tạp của thế giới trong năm qua và xu hướng dịch chuyển trong tương lai, cùng với hàng loạt câu chuyện xoay quanh khả năng phương Tây viện trợ tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu của cho Ukraine và kết cục của cuộc xung đột này.

Còn xa hơn chút là bài toán về đoàn kết nội khối của NATO, nhất là cách ứng phó với “cái gai” Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Thực tế, bất chấp sự đoàn kết ở thời điểm hiện tại, nhiều nước thành viên có chung biên giới với Nga cho rằng các nước Tây Âu đang do dự hơn về một số vấn đề gai góc. Tương lai của NATO sẽ phụ thuộc vào khả năng phản ứng với sự chia rẽ này và nỗ lực thích ứng với môi trường an ninh hiện nay. Câu chuyện về kết nạp thêm Phần Lan, Thụy Điển, hay thậm chí Ukraine, sẽ tiếp tục là chủ đề nóng.

Trong khi đó, động thái tăng cường năng lực quốc phòng một cách độc lập của Đức và Pháp, song song với khái niệm “châu Âu hóa” quốc phòng, sẽ đặt ra bài toán dung hòa những nỗ lực này với sự phát triển của NATO. Đây có thể là cơ hội tốt cho Berlin diễn giải rõ hơn về Chiến lược an ninh quốc gia mới của mình.

Câu chuyện về quan hệ của châu Âu với Trung Quốc, từ góc nhìn của EU lẫn từng quốc gia đơn lẻ, cũng là điểm nhấn thú vị. Mối quan hệ khăng khít giữa Bắc Kinh và Moscow đang khiến các đợt trừng phạt mới kém hiệu quả hơn, trong khi sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại “lục địa già” cũng khiến một số quan chức EU lo ngại.

Đáng chú ý hơn nữa là việc định hướng của EU về Trung Quốc chắc chắn sẽ chịu tác động không nhỏ từ diễn biến mới trong quan hệ Washington - Bắc Kinh. MSC59 đánh dấu lần đầu tiên Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Chánh Văn phòng Đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cùng tới một địa điểm sau sự cố khinh khí cầu Trung Quốc “bay lạc” vào Mỹ. Chính vì thế, dư luận quốc tế cũng đặt câu hỏi: Liệu có sự kiện nào diễn ra bên lề MSC59 giữa hai nhân vật này hay không?

Tuy nhiên, các nhà quan sát băn khoăn về yếu tố vốn đã làm nên sức hút của MSC. Đó chính là Quy tắc Munich, nghĩa là khuyến khích các đại biểu tham gia tương tác với nhau, không phớt lờ nhau. Vì thế, ông Vương Nghị sẽ có bài phát biểu tại MSC59, giới thiệu quan điểm an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững do Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xướng, làm rõ sự kiên định của nước này trên con đường phát triển hòa bình và khẳng định lập trường đối với các vấn đề quốc tế lớn.

Trong khi đó, theo Sputnik, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, cũng như những năm trước, phái đoàn Nga không thấy có lý do gì để tham gia MSC59. Sự kiện này không còn thu hút sự quan tâm của Moscow nữa bởi diễn đàn này không khác gì sự kiện xuyên Đại Tây Dương thuần túy. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, trong những năm gần đây, MSC đã hoàn toàn xuống cấp và các nhà tổ chức ngại mời Nga tham dự vì họ không muốn nghe và chấp nhận sự thật. Bởi vậy, các nhà quan sát cho rằng “sức nóng” của MSC59 không cân bằng và đang ở xu thế nghiêng về một phía làm cho Quy tắc Munich thiếu đi sức hấp dẫn.

TUYẾT MINH

.