Quốc tế

Vì sao Nga bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus?

08:51, 27/03/2023 (GMT+7)

Nga tuyên bố sẽ hoàn thiện cơ sở vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus vào tháng 7-2023 và triển khai vũ khí đến đây sớm nhất là vào mùa hè này, qua đó đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa loại vũ khí này ra ngoài lãnh thổ kể từ năm 1996.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo tại Moscow tháng 2-2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko quan sát cuộc diễn tập phóng tên lửa đạn đạo tại Moscow tháng 2-2022. Ảnh: Reuters

Moscow khẳng định, quyết định này không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. Song, phương Tây vẫn lo ngại, nhất là trong lúc xung đột ở Ukraine liên tiếp chứng kiến các chuyển biến đáng chú ý.

“Không có gì bất thường”

Ngày 25-3, Rossiya-24 dẫn tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao cho Belarus hệ thống Iskander có thể mang vũ khí hạt nhân. Chúng tôi sẽ bắt đầu huấn luyện vận hành hệ thống vào ngày 3-4 và hoàn thành xây dựng kho chứa vũ khí hạt nhân chiến thuật đặc biệt trên lãnh thổ Belarus trước ngày 1-7”. Nga cũng đã triển khai 10 máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.

Theo ông Putin, động thái này sẽ không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân. “Không có gì bất thường ở đây cả. Mỹ đã làm điều tương tự trong nhiều thập niên khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ các nước đồng minh. Chúng tôi sẽ làm điều tương tự.

Động thái này không vi phạm các nghĩa vụ của chúng tôi, không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về thoả thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân”, TASS dẫn lời ông Putin nói. Nga sẽ chỉ triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus mà không trao quyền kiểm soát cho Minsk. Ông Putin không nói rõ loại vũ khí mà Nga định triển khai, địa điểm cụ thể ở Belarus mà chỉ cho biết chúng có thể đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay.

Theo hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, cường quốc hạt nhân không được phép chuyển giao vũ khí hạt nhân và công nghệ cho một nước phi hạt nhân và chỉ được phép triển khai vũ khí này ở bên ngoài lãnh thổ nhưng dưới kiểm soát của mình. Do đó, vũ khí hạt nhân của Mỹ đang được triển khai ở các nước nhưng dưới sự kiểm soát của Washington. Nga từng kêu gọi Mỹ rút vũ khí hạt nhân này về nước nhưng Mỹ và NATO từ chối.

Bên cạnh đó, Moscow đưa ra quyết định trên theo lời kêu gọi nhiều lần của đồng minh Belarus. Belarus có đường biên giới với 3 thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Ba Lan, Litva và Latvia. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko lo ngại về mối đe dọa đối với nước này từ vũ khí hạt nhân do Mỹ triển khai tại các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt khả năng Mỹ sẽ bố trí vũ khí hạt nhân ở Ba Lan, nước có chung biên giới với Belarus.

Phương Tây thận trọng

RT dẫn lời Tổng thống Putin cho biết, động thái trên của Nga cũng nhằm đáp trả việc Anh cam kết cung cấp đạn chứa uranium nghèo cho Kiev. Nga coi đây là hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm khi cảnh báo việc sử dụng chúng có thể gây ra thảm họa phóng xạ ở Ukraine, và hậu quả đã được thấy rõ qua việc NATO sử dụng  loại vũ khí tương tự ở Iraq. Tuy nhiên, Mỹ gọi đạn chứa uranium nghèo là đạn thông thường được sử dụng trong nhiều thập niên qua.

Sau động thái trên của Nga, Mỹ phản ứng một cách thận trọng. “Chúng tôi đã xem xét các báo cáo về tuyên bố của Nga và sẽ tiếp tục theo dõi tình hình này. Hiện, chúng tôi không thấy có lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình cũng như không có dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân. Chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ tập thể liên minh NATO”, tuyên bố của Lầu Năm Góc nêu.

Các chuyên gia nhận định, quyết định của Nga là một trong những diễn biến rất đáng chú ý kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra và cũng là động thái tiếp nối sau khi Moscow đình chỉ tham gia New START, hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân cuối cùng với Mỹ, làm dấy lên nhiều lo ngại về rủi ro đối đầu hạt nhân. Ông Nikolai Sokol, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Giải trừ quân bị và Không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho biết: “Đó là một động thái rất quan trọng bởi Nga xưa nay luôn tự hào việc họ không có vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ. Giờ đây, họ đang thay đổi”.

Giới học thuật đã tranh luận trong nhiều năm về cách định nghĩa vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo Reuters, chúng là vũ khí hạt nhân được sử dụng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì phá hủy trên quy mô lớn, chẳng hạn như thành phố. Đây là các đầu đạn hạt nhân nhỏ. Mỹ tin rằng Nga có khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật, gấp hơn 10 lần so với Washington.

THƯ LÊ

.