Quốc tế

FED vẫn tăng lãi suất giữa khủng hoảng ngân hàng

09:14, 24/03/2023 (GMT+7)

Quyết định tăng lãi suất mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 22-3 là lần tăng lãi suất liên tiếp thứ 9 nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống lạm phát. Việc tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % đã nâng mức lãi suất tiêu chuẩn của FED lên khoảng 4,75% - 5%, cũng là mức cao nhất từ tháng 9-2007. Dư luận Mỹ hồi hộp với câu hỏi: đây đã là lần tăng cuối cùng chưa?

Chủ tịch FED Jerome Powell tại buổi họp báo sau khi công bố nâng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp ngày 22-3. Ảnh: Reuters
Chủ tịch FED Jerome Powell tại buổi họp báo sau khi công bố nâng lãi suất cơ bản lần thứ 9 liên tiếp ngày 22-3. Ảnh: Reuters

Lạm phát vẫn tăng

Với việc tăng lãi suất, FED tỏ rõ quyết tâm đi theo lộ trình chống lạm phát nhưng vẫn cố kiềm chế động thái quá “sốc”, kiểu như đưa mức tăng lãi suất điều hành lớn hơn nữa khiến giới đầu tư hoảng sợ. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết, dù FED đã cân nhắc chuyện tạm dừng tăng lãi suất trước các vấn đề xảy ra với hệ thống ngân hàng gần đây nhưng rốt cuộc họ tiếp tục “nhấn nút” thêm một lần tăng nữa khi các dữ liệu kinh tế đã mạnh hơn. Theo dự báo của giới chức Mỹ, với mức điều chỉnh lãi suất cơ bản, chi phí vay sẽ tăng lên 5,1% trong năm 2023.

Theo ông Powell, tới nay lạm phát vẫn đang tăng. Những rối loạn, khủng hoảng trong khối ngân hàng được dự báo sẽ làm chậm lại các thủ tục cho vay cũng như ảnh hưởng tới mức độ sẵn sàng của tín dụng và làm hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ. Các nhà điều hành kinh tế, tài chính Mỹ ước tính, tới cuối năm nay lạm phát sẽ giảm xuống còn 3,3% từ mức 5,4% đã ghi nhận trong báo cáo mới nhất.

FED đã sẵn sàng giải đáp mọi chất vấn hóc búa nhất về công tác giám sát của họ với Ngân hàng Silicon Valley (SVB) vốn đã sụp đổ và gây ra cơn địa chấn trên toàn hệ thống tài chính. Thực tế cho thấy, bất kể việc người đứng đầu FED khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn ổn, một loạt chứng khoán ngành tài chính đã lao dốc sau khi thoạt tăng sau công bố của FED. Cụ thể, theo Wall Street Journal (WSJ), chỉ số S&P 500 mất 65,90 điểm (1,6%), chốt phiên ở 3936,97 điểm.

Có thể là lần tăng cuối cùng?

Trong thông báo chính sách sau cuộc họp điều chỉnh lãi suất ngày 22-3, ban lãnh đạo FED tiết lộ chính nỗi căng thẳng của khối ngân hàng sẽ phần nào tác động tới cơ quan này trong việc thay đổi lộ trình tăng lãi suất. Theo đó, họ đã bỏ cụm từ từng được sử dụng trong 8 thông báo điều chỉnh trước đó là “các lần tăng vẫn đang diễn ra”.

Ông Powell cũng tiết lộ lần tăng lãi suất ngày 22-3 có thể là lần cuối cùng. “Ông Powell mở ra cánh cửa tới khả năng đây là lần tăng lãi suất cuối cùng”, ông Marc Sumerlin, cựu cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống George W. Bush bình luận với WSJ. Thực tế, ông Powel cũng nói những hỗn loạn ngân hàng vừa qua sẽ dẫn tới các điều kiện quản lý siết chặt hơn, và theo đó cũng có nghĩa không cần thêm các lần tăng lãi suất nữa.

Trong năm qua, giới chức FED đã vài lần thừa nhận nguy cơ đối mặt cùng lúc hai vấn đề: sự bất ổn định về tài chính và lạm phát. Nhiều người đã nói họ sẽ phải sử dụng các công cụ cho vay khẩn cấp, những biện pháp tương tự với những gì đã công bố tháng này nhằm ổn định thị trường tín dụng để FED có thể tiếp tục nâng lãi suất, hay chí ít cũng duy trì lãi suất cơ bản ở những mức cao hơn để chống lạm phát.

Tuy nhiên, những xáo trộn trong ngành ngân hàng là những minh chứng mạnh mẽ nhất cho thấy ảnh hưởng lan rộng của việc tăng lãi suất với nền kinh tế nói chung. Những hỗn loạn đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ nhất về các tình huống rủi ro mà giới chức FED, giới lập pháp và cả Nhà Trắng phải đối mặt trong lúc cố gắng “ghìm cương” mức lạm phát đã chạm ngưỡng cao nhất trong 40 năm qua.

Theo WSJ, các công cụ cho vay khẩn cấp của FED có thể giải quyết tình trạng căng thẳng về thanh khoản hay bảo đảm những nơi cần tiền mặt trong hệ thống tài chính có thể được đáp ứng, song những công cụ đó không thể giải quyết được nhiều hơn các thách thức cơ bản khác với doanh nghiệp, chẳng hạn như những vấn đề phát sinh từ tỷ lệ tiền gửi thấp tại các ngân hàng.

Dự báo của FED và phát biểu của ông Powell có vẻ như cũng phản ánh chính những lo ngại này. Đó là lý do vì sao bà Priya Misra, người phụ trách chiến lược lãi suất tại ngân hàng đầu tư TD Securities (Canada) cho rằng, dù FED có thể nói việc sụp đổ của SVB là vì sự quản lý yếu kém của ngân hàng này nhưng đó không phải đơn giản chỉ là như vậy.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.