Quốc tế

Quan hệ Trung Quốc - Úc có gì mới?

09:02, 25/03/2023 (GMT+7)

Kể từ năm 2018, quan hệ Trung Quốc - Úc liên tục rơi xuống mức thấp khi Úc trở thành nước đầu tiên công khai cấm “gã khổng lồ” công nghệ Huawei (Trung Quốc) tham gia phát triển mạng 5G của nước này. Tiếp đó, tháng 4-2020, Úc kêu gọi điều tra làm rõ nguồn gốc Covid-19 và trách nhiệm của các bên liên quan khi để dịch bệnh lây lan toàn cầu.

Tuy nhiên, sau thời gian “đóng băng” quan hệ, những động thái cởi mở từ hai phía đã xuất hiện. Tháng 11-2022, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc Anthony Albanese gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Indonesia.

Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh hai bên có tiềm năng hợp tác lớn trong kinh tế-thương mại và cần phối hợp hướng tới mục tiêu bảo đảm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng. Diễn biến này cho thấy, đôi bên vẫn rất cần có nhau để thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc - Úc luôn ẩn chứa nhiều vấn đề phức tạp, nên hai bên vẫn trong trạng thái “bằng mặt mà không bằng lòng” ở nhiều khía cạnh.

Về kinh tế, Trung Quốc áp đặt một loạt rào cản thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu từ Úc khiến các doanh nghiệp của nước này thiệt hại hàng chục tỷ AUD. Tháng 2-2023, bộ trưởng thương mại của hai nước có cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2019. Hai bên trao đổi nhu cầu nối lại thương mại thông suốt với nhà xuất khẩu Úc để người tiêu dùng Trung Quốc tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao của Úc. Đổi lại, Úc cần điều chỉnh chính sách phù hợp để các dự án đầu tư của Trung Quốc sớm được triển khai ở Úc. Hai bên cũng thảo luận việc liệu Úc có thể từ bỏ  khiếu nại lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về thuế mà Trung Quốc áp lên rượu và lúa mạch của họ.

Vấn đề an ninh vẫn là “điểm nghẽn” hóc búa nhất đối với hai nước. Hiện, Úc là một trong những quốc gia nòng cốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đặc biệt là sự hình thành “Bộ Tứ kim cương” (QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ) nhằm tạo đối trọng với sự gia tăng hiện diện là của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ngày 22-3, tại Canberra, quan chức Úc và Trung Quốc đối thoại về quốc phòng lần đầu tiên kể từ năm 2019 để thảo luận vấn đề an ninh khu vực, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh cảnh báo Úc, Anh và Mỹ đang đi theo con đường sai lầm và nguy hiểm với kế hoạch triển khai hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Canberra. Dù hai bên không tiết lộ chi tiết hội đàm nhưng rõ ràng không dễ giải tỏa mối quan ngại của nhau về vấn đề này.

Bên cạnh đó, vấn đề vai trò của người Hoa ở Úc cũng là mối quan tâm của cả hai bên. Năm 1972, Úc trở thành quốc gia phương Tây thứ hai sau Thụy Điển thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Đến nay, Úc vẫn là nước phương Tây duy nhất đã bầu một người nói tiếng Hoa, đó là Kevin Rudd, làm thủ tướng của nước này.

Năm 2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, cựu Đại sứ Úc tại Trung Quốc Frances Adamson, cũng là người nói tiếng Hoa. Trong 5 thập niên qua, Úc xây dựng thành công 4 thế hệ chuyên gia về Trung Quốc từ doanh nhân đến sinh viên và nhà khoa học. Một số người như ông Rudd và Adamson đã vươn lên bậc thang cao trong sự nghiệp chính trị. Nhiều dự án, nhiều nhà máy do người Hoa nắm giữ ở Úc cũng là nhân tố không kém phần quan trọng để có thể tác động quan hệ song phương.

Có thể nói, việc “cài đặt” lại quan hệ Bắc Kinh - Canberra là hướng đi tích cực được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Nhưng chiến lược phát triển của hai nước có nhiều điểm cạnh tranh, thậm chí mang tính đối đầu. Nếu không kịp thời hóa giải thông qua đối thoại, thì dễ rơi vào vòng xoáy khó lường.

TUYẾT MINH

.