Quốc tế
Triều Tiên lại gây xôn xao với vũ khí hạt nhân mới
Ngày 24-3, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm hệ thống vũ khí tấn công mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân dưới nước với sức mạnh có thể phá hủy tàu hải quân và cảng biển. Động thái này khiến dư luận xôn xao khi cho thấy bước tiến mới trong tham vọng phát triển tên lửa, hạt nhân của Bình Nhưỡng; đồng thời khiến bán đảo Triều Tiên tiếp tục “dậy sóng”.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) và con gái Kim Ju-ae theo dõi một vụ phóng tên lửa ngày 19-3. Ảnh: KCNA |
Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên chỉ đạo cuộc tập trận từ ngày 21 đến 23-3 nhằm cảnh báo kẻ thù về khủng hoảng hạt nhân thực sự và xác minh độ tin cậy của lực lượng vũ khí hạt nhân để tự vệ. Tâm điểm của sự kiện này xoay quanh việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân tấn công dưới nước được triển khai ngoài khơi bờ biển huyện Riwon, tỉnh Nam Hamgyong ngày 21-3 và đánh trúng mục tiêu giả định ở vùng biển ngoài khơi vịnh Hongwon chiều 23-3.
Vũ khí mới này là thiết bị không người lái, di chuyển theo đường oval và hình số 8 ở độ sâu từ 80 đến 150m ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên trong 59 giờ 12 phút. Nó có thể tấn công bí mật trong vùng biển của đối thủ bằng cách kích nổ đầu đạn hạt nhân dưới nước, tạo “sóng thần phóng xạ” phá hủy tàu chiến và mục tiêu trên bờ.
“Phương tiện không người lái (drone) tấn công hạt nhân dưới nước có thể được triển khai tại bất kỳ bờ biển và bến cảng hoặc được tàu mặt nước kéo đi để hoạt động”, KCNA nêu. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố, cuộc thử nghiệm là lời cảnh báo đanh thép đối với Mỹ và Hàn Quốc về khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân không giới hạn của Triều Tiên đang được củng cố với tốc độ nhanh hơn.
BBC dẫn lời chuyên gia Hong Min tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho biết bất kỳ phương tiện do thám hay đánh chặn nào mà Hàn Quốc và Mỹ đang sở hữu khó có thể phát hiện vũ khí này. Theo GS Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Seoul), tuyên bố của Bình Nhưỡng về sở hữu khí tài dưới nước nhằm chứng tỏ Bình Nhưỡng có nhiều phương tiện tấn công hạt nhân đến mức bất kỳ cuộc tấn công phủ đầu nào chống lại họ đều sẽ thất bại. Tuy nhiên, ông Ankit Panda, chuyên gia vũ khí hạt nhân tại Tổ chức hòa bình quốc tế Carnegie nói: “Không thể loại trừ khả năng đây chỉ là nỗ lực của chiến dịch đánh đòn cân não (PSYOP) của Bình Nhưỡng”.
Theo Reuters, hiện chưa rõ liệu Triều Tiên đã hoàn tất quá trình phát triển đầu đạn hạt nhân thu nhỏ để gắn vào các loại vũ khí loại nhỏ của quốc gia này hay chưa. Trong khi đó, theo người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ và các đồng minh trong tương lai gần.
Theo Bloomberg, đây là lần đầu tiên Triều Tiên đề cập đến việc triển khai một máy bay không người lái như vậy. Quốc gia này cũng có rất nhiều tàu ngầm mini dựa trên công nghệ cũ và tương đối dễ bị phát hiện ở vùng biển rộng nếu chúng di chuyển xa bờ biển.
Chỉ ít giờ sau khi Triều Tiên xác nhận vũ khí mới, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết, Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh phát triển vũ khí hạt nhân từng ngày và tiến hành hành động gây hấn thông qua các vụ thử tên lửa chưa từng có tiền lệ. Điều này không thể chấp nhận được. Do vậy, Hàn Quốc sẽ tăng cường phòng vệ và củng cố hợp tác an ninh với Mỹ và Nhật Bản.
Tháng 6-2023, Seoul và Washington sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Kế hoạch này có thể dẫn đến nhiều hành động đáp trả cứng rắn hơn từ Bình Nhưỡng. Ở chiều ngược lại, ông Kim Jong-un chỉ trích Mỹ viện cớ cam kết bảo vệ các đồng minh để liều lĩnh đồng tổ chức tập trận có chủ đích, dai dẳng và khiêu khích, khiến tình hình quân sự và chính trị trên bán đảo Triều Tiên lên mức nguy hiểm không thể đảo ngược.
Trước đó, ngày 22-3, Triều Tiên tiến hành phóng các tên lửa hành trình chiến lược được gắn đầu đạn thử nghiệm mô phỏng đầu đạn hạt nhân; đồng thời khẳng định vụ việc này không có tác động tiêu cực đến an ninh của các nước láng giềng. Trong diễn biến đáng chú ý, ngày 24-3, các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) cho biết đã tiến hành khóa huấn luyện đầu tiên về triển khai bệ phóng từ xa của Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
USFK nêu rõ: “Việc huấn luyện lực lượng THAAD nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị, thế trận phòng thủ kết hợp trong liên minh, thể hiện cam kết sắt đá để bảo vệ Hàn Quốc và tăng cường an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.
THƯ LÊ