Quốc tế
EU siết chặt giám sát các "gã khổng lồ" công nghệ
Kể từ tháng 8-2023, Facebook, Google, cùng các nền tảng trực tuyến và công tụ tìm kiếm rất lớn khác trên thế giới, sẽ phải tuân theo các quy tắc nội dung trực tuyến mới của Liên minh châu Âu (EU) và có khả năng bị phạt nặng hơn nếu vi phạm các quy tắc của khối.
19 nền tảng và công cụ tìm kiếm trực tuyến rất lớn sẽ chịu sự kiểm soát chặt chẽ hơn tại EU. Ảnh: Reuters |
Theo Euronews, ngày 25-4, EU công bố danh sách đầy đủ 19 “gã khổng lồ” công nghệ (Big Tech) được gắn mác “Nền tảng trực tuyến rất lớn” (VLOP) sẽ phải tuân thủ các quy tắc cứng rắn hơn theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU. Đây là những nền tảng có hơn 45 triệu người dùng. Danh sách này gồm AliExpress của Alibaba, Amazon Marketplace, Apple AppStore, Booking.com, Facebook, Google Play, Google Maps, Google Shopping, Instagram, LinkedIn, Pinterest, Snapchat, TikTok, Twitter, Wikipedia, YouTube, Zalando, Bing, Google Search. Đáng chú ý, Spotify và Airbnb không nằm trong danh sách này. Quan chức EU cảnh báo, khoảng hơn 5 công ty kỹ thuật số khác có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ của DSA.
Các nền tảng có trong danh sách sẽ có 4 tháng để tuân thủ các quy tắc đặc biệt dưới sự bảo trợ của DSA. Đạo luật này giúp tăng cường bảo vệ quyền của người dùng trực tuyến, đồng thời cung cấp tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn. Theo quy định, các nền tảng trên phải cung cấp cho người dùng internet thông tin về lý do tại sao họ được đề xuất một số trang web nhất định hoặc các chi tiết khác và khả năng từ chối. Tất cả quảng cáo trên các nền tảng này cũng sẽ phải có nhãn ghi rõ người đã trả tiền cho chúng và các hợp đồng có điều khoản và điều kiện sẽ phải có phần tóm tắt bằng “ngôn ngữ đơn giản” và bằng các ngôn ngữ khác nhau của các quốc gia mà họ đang hoạt động. Theo DSA, các cơ quan quản lý cũng có thể kiểm soát nội dung để giảm các bình luận có hại và đặt ra các quy tắc cho việc sử dụng AI.
Đáng chú ý, các chuyên gia của Trung tâm minh bạch thuật toán châu Âu (ECAT) mới thành lập của EU đang hướng đến “bẻ khóa” thuật toán của các nền tảng để xem cách chúng hoạt động có góp phần truyền bá nội dung có hại và bất hợp pháp mà nhiều người dân châu Âu đang gặp phải hay không. Bà Josephine Ballon tại tổ chức HateAid vì nạn nhân của ngôn từ thù địch trên mạng, lý giải: “Các nền tảng này không chỉ là nơi lưu trữ nội dung do người dùng tạo, mà còn có các hệ thống thuật toán xác định cách phân phối những nội dung này”.
Các quy định trong DSA cũng hướng tới cấm hoạt động quảng cáo có chủ đích nhắm vào trẻ em hoặc dựa trên dữ liệu nhạy cảm như tôn giáo, giới tính, chủng tộc và quan điểm chính trị. Ngoài ra, những hành vi, phương thức lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty cũng sẽ bị cấm. Bên cạnh đó, các nền tảng và công cụ tìm kiếm trực tuyến phải thực hiện một số biện pháp cụ thể trong bối cảnh khủng hoảng. Động thái này xuất phát từ một thực tế là thời gian qua, thông tin sai lệch, thất thiệt lan tràn trên không gian mạng liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp trên, các nền tảng trên có thể phải nộp phạt lên tới 6% doanh thu toàn cầu của công ty và có thể bị áp lệnh cấm hoạt động tạm thời tại châu Âu. Theo Reuters, Facebook, Twitter và TikTok sẽ những cái tên đầu tiên nằm trong “tầm ngắm” sắp tới bởi EU cho rằng các hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong xây dựng ý kiến của công chúng về các vấn đề chủ chốt. EU sẽ kiểm tra mức ổn định và độ tin cậy của Twitter tại trụ sở chính ở San Francisco vào tháng 6-2023 và cũng muốn thực hiện bài kiểm tra tương tự với TikTok để hiểu rõ hơn về nguồn gốc của ứng dụng này.
AP dẫn lời Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của EU Thierry Breton cho biết: “Nhờ đạo luật này, công dân và doanh nghiệp châu Âu sẽ được hưởng lợi từ một mạng internet an toàn hơn”. Trong khi đó, ông Guillaume Couneson, một đối tác tại Khu vực Công nghệ Toàn cầu của Linklaters, cho biết các biện pháp mà DSA nêu ra có thể sẽ ảnh hưởng đến phản ứng của thị trường rộng lớn hơn. “DSA mang tính toàn diện và sẽ là thách thức đối với các trung gian trực tuyến để vượt qua khó khăn. Những công ty có quy mô lớn sẽ phải đối mặt với tác động lớn nhất của đạo luật.”, ông Couneson nói.
Được biết, đạo luật này là mũi nhọn thứ hai trong chiến lược của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Versager, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của EU, nhằm kiềm chế sức mạnh của các đại gia công nghệ của Mỹ. Năm ngoái, bà Vestager giành được sự ủng hộ từ 27 quốc gia thành viên và các nhà lập pháp EU đối với các quy tắc mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) buộc các tập đoàn Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft phải thay đổi phương thức kinh doanh cốt lõi ở châu Âu.
THƯ LÊ