Quốc tế
Cuộc đua toàn cầu về xe điện
Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân, nhất là ở Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… về sử dụng xe điện, chính phủ nhiều nước đưa ra chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, tập đoàn lớn tham gia cuộc đua sản xuất, cung cấp các loại xe điện với giá thành hợp lý, chất lượng cao.
Trong báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2022, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đánh giá, rất ít lĩnh vực năng lượng sạch trên thế giới năng động như thị trường ô-tô điện. Theo IEA, chính sách hỗ trợ của các chính phủ được xem là hành lang dẫn đường cho bất kỳ ngành công nghiệp, và xe điện cũng không ngoại lệ. Ngày càng nhiều quốc gia cam kết loại bỏ dần động cơ đốt trong hoặc hướng đến mục tiêu "điện hóa" phương tiện trong những thập niên tới.
Trung Quốc hiện dẫn đầu về doanh số bán xe điện trong năm 2022, khi chiếm một nửa mức tăng trưởng của toàn cầu. Động lực chính thúc đẩy thị trường xe điện Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ đến từ các khoản tài trợ hào phóng. Nước này áp dụng chính sách giảm thuế 5% cho các loại xe thuần điện, xe plug-in hybrid (phương tiện sử dụng song song điện chạy bằng pin và xăng/dầu) và xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro; giảm 50% phí đăng ký xe điện… Mặt khác, các nhà đầu tư Trung Quốc tung tiền mua lại hay sáp nhập với các công ty sản xuất xe điện ở EU khi khối này hướng tới mục tiêu 100% xe hơi điện từ nay đến 2035. 100% nhà máy của Trung Quốc ở “lục địa già” tập trung sản xuất bình điện cho xe hơi điện. Kể từ năm 2018, Trung Quốc rót hơn 17 tỷ euro vào nền công nghiệp sản xuất bình điện ở EU với mục đích chiếm ít nhất 20% thị phần toàn châu lục này trước ngưỡng 2030.
Mỹ hiện là thị trường xe điện lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và EU. Năm 2022 đánh dấu sự kiện Tổng thống Joe Biden đặt bút ký Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 430 tỷ USD, trong đó cấp hàng tỷ USD tài trợ cho sản xuất xe điện nội địa. Ngoài ra, để khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chuyển đổi sang xe chạy điện, đạo luật này cho phép trợ cấp 7.500 USD cho mỗi người mua ô-tô điện mới; miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin nội địa.
Tại Đông Nam Á, theo nghiên cứu của tổ chức Research and Markets, thị trường xe sử dụng năng lượng mới (NEV) của khu vực này sẽ tăng trưởng hằng năm gần 33%, lên mức 2,67 tỷ USD vào năm 2027. Bên cạnh chính sách hỗ trợ ngành xe điện của các nước, Đông Nam Á nắm giữ những lợi thế riêng, gồm dân số 600 triệu người và GDP khoảng 3.200 tỷ USD nên còn nhiều dư địa để phát triển. Do vậy, hàng loạt các hãng xe điện hàng đầu thế giới như: Tesla, Hyundai, Honda, Toyota, các hãng xe điện Trung Quốc và gần đây là VinFast (Việt Nam)... cũng đẩy mạnh giới thiệu mẫu xe điện mới, nhằm từng bước chiếm lĩnh thị phần nơi đây.
Đáng chú ý, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vừa qua tại Indonesia thông qua tuyên bố về phát triển hệ sinh thái xe điện trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng, khử carbon trong giao thông đường bộ, đạt mục tiêu trung hòa carbon, cải thiện an ninh năng lượng ở mỗi nước và toàn khu vực. ASEAN đang từng bước trở thành trung tâm sản xuất xe điện toàn cầu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững trong khu vực.
Theo các chuyên gia, phát triển xanh trở thành xu thế toàn cầu, là mục tiêu và định hướng chính sách của các chính phủ và đặc biệt hơn nữa chính là nhu cầu của người tiêu dùng được hỗ trợ và thúc đẩy bởi hệ sinh thái xanh đang phát triển rất nhanh. Vì thế, cuộc đua xe điện sẽ còn kịch tính hơn nữa. Sự thành công của xe điện được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố nhưng các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ các nước là động lực tăng trưởng chính đối với ngành sản xuất tương đối mới này. Mặt khác, việc nắm giữ khoa học công nghệ, cũng như nguồn tài nguyên lithium cũng sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh vô cùng to lớn.
TUYẾT MINH