Quốc tế

Hướng đến Hiệp ước quốc tế chấm dứt ô nhiễm nhựa

10:49, 27/05/2023 (GMT+7)

Cùng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về môi trường, kinh tế và xã hội đang ngày càng leo thang. Hiện nay, trung bình mỗi phút có tới 1 triệu túi nilon được thải ra trên thế giới nhưng phải mất đến 1.000 năm, mỗi cái túi đó mới có thể tự phân hủy hoàn toàn. Lượng nhựa sản xuất hằng năm trên thế giới tăng gấp đôi sau 20 năm.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2019, thế giới sản xuất tổng cộng 460 triệu tấn nhựa và con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060 nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời. Trong khi đó, khoảng 70% số sản phẩm nhựa bị thải ra môi trường sau khi được sử dụng một hoặc vài lần và chưa đến 10% được tái chế.

Liên Hợp Quốc (LHQ) đánh giá mức độ cấp bách của vấn đề ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có các hành động toàn cầu mang tính quyết định để giải quyết vô số lỗi hệ thống xuyên biên giới và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tháng 3-2022, các quốc gia thành viên LHQ thông qua Nghị quyết 5/14 của Hội đồng Môi trường LHQ (UNEA), đã đồng ý triệu tập Ủy ban đàm phán Liên Chính phủ (INC) để xây dựng công cụ quốc tế ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, gồm cả trong môi trường biển. Nghị quyết chỉ rõ rằng hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa cần tiếp cận toàn bộ chuỗi giá trị nhựa, áp dụng các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn và giải quyết ô nhiễm nhựa trong môi trường biển và các môi trường khác.

Có thể nói, sau nhiều năm vận động, quyết định lịch sử này của LHQ mang đến cơ hội thiết lập các biện pháp toàn diện mang tính toàn cầu theo nghĩa vụ ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên để mở ra thay đổi theo chuỗi giá trị nhựa toàn cầu. Tuy nhiên, các nước đang vướng vào bất đồng sâu sắc về những vấn đề chính, đó là: liệu có nên hạn chế sản xuất uy tắc toàn cầu thống nhất trên toàn cầu hay không; thậm chí một số nước nhựa hay không; có loại bỏ dần các loại nhựa và áp dụng các quy tắc toàn cầu về sản phẩm nhựa…

Tổ chức Greenpeace lo ngại, nếu không có hiệp ước mạnh mẽ, sản lượng nhựa toàn cầu có thể tăng gấp đôi trong vòng 10-15 năm tới và tăng gấp ba vào năm 2050. Điều này sẽ càng khiến lượng rác thải nhựa tăng lên ở các bãi rác và hệ sinh thái nước. Trước thực tế đó, LHQ mong muốn sớm có hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa bằng việc nối lại vòng đàm phán mới diễn ra từ ngày 29-5 đến 2-6 tại Paris (Pháp).

Nước chủ nhà cũng lên kế hoạch tổ chức hội nghị cấp cao vào ngày 27-5, với sự tham dự của khoảng 40 bộ trưởng môi trường và nhà ngoại giao để trình bày khuyến nghị của Liên minh châu Âu (EU), một trong những nơi tiêu thụ nhựa nhiều nhất trên thế giới. Đồng thời, các nước cũng đang xem xét một loạt biện pháp như ban hành lệnh cấm quy mô toàn cầu đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Mới đây, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) cam kết, đến năm 2040, chấm dứt hoàn toàn tình trạng ô nhiễm nhựa. Mục tiêu này có thể đạt được nhờ sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn và lệnh cấm hoặc hạn chế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và nhựa không thể tái chế.  Chương trình Môi trường LHQ kêu gọi sự thay đổi có hệ thống để tăng cường triển khai các biện pháp tái sử dụng và tái chế nhựa, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu thay thế, qua đó giúp giảm 80% mức ô nhiễm nhựa hằng năm vào năm 2040 và giảm 50% lượng nhựa sử dụng một lần.

Việc LHQ thúc đẩy đàm phán mới với mong muốn sớm có hiệp ước chấm dứt về ô nhiễm nhựa được xem là cơ hội duy nhất để mở ra những thay đổi mang tính hệ thống trong nền kinh tế nhựa toàn cầu.

TUYẾT MINH

.