Quốc tế

Trần nợ công và cuộc chiến trên chính trường Mỹ

08:56, 11/05/2023 (GMT+7)

Trong khi đảng Dân chủ của Mỹ muốn nâng mức trần nợ công mà không kèm theo điều kiện nào, đảng Cộng hòa yêu cầu Nhà Trắng phải cắt giảm chi tiêu ngân sách thì mới chấp nhận nâng mức giới hạn nợ. Những bất đồng và chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng về trần nợ công cũng như khoản chi tiêu ngân sách liên bang làm dấy lên lo ngại trong công luận Mỹ về việc giới lập pháp có thể không kịp đạt đồng thuận nâng trần nợ công để tránh nguy cơ vỡ nợ như dự báo vào đầu tháng 6-2023.

Nợ trần ở Mỹ là giới hạn nợ được Quốc hội phê chuẩn, tức số tiền tối đa chính phủ được phép vay. Theo đó, khi các khoản vay “kịch trần”, giới lập pháp phải quyết định có nâng mức trần lên nữa hay không. Theo Wall Street Jounal, vì nước Mỹ liên tục bị thâm hụt ngân sách lớn nên trần nợ cũng vì thế mà thường xuyên phải điều chỉnh. Hiện tại, trần nợ công của Mỹ đang là 31.400 tỷ USD. Theo dự báo công bố ngày 9-5 của Trung tâm chính sách lưỡng đảng (BPC), Chính phủ Mỹ có thể “hết tiền” ngay trong đầu tháng 6-2023. Dự báo này cũng phù hợp với ước đoán trước đó của Bộ Tài chính và Văn phòng Ngân sách quốc hội (CBO). Nếu Nhà Trắng không thể vay để thanh toán đúng hạn mọi “hóa đơn”, họ sẽ phải tạm dừng việc chi trả lương hưu, nợ hoặc cắt giảm lương của quân nhân và công chức liên bang hay trì hoãn việc thanh toán lãi suất…

Giới nghị sĩ lưỡng đảng, các tổ chức doanh nghiệp và nhiều công ty ở Phố Wall báo động khả năng vỡ nợ của chính phủ, gây ra thảm họa đối với các thị trường tài chính và nền kinh tế nước này. Việc giới đầu tư mất niềm tin có thể kích hoạt những đợt bán tháo chứng khoán và gây ra các hỗn loạn tài chính lớn hơn. Bên cạnh đó, việc không trả nợ đúng hạn ở những lĩnh vực khác, như các quyền lợi an sinh xã hội, cũng có thể gây cú sốc lớn về kinh tế. Dư luận cho rằng, những bế tắc về nâng trần nợ công hiện là cuộc đối đầu giữa hai đảng, cụ thể là giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy.

Thực tế, việc nâng trần nợ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngân sách thực tế của chính phủ Mỹ đã diễn ra suôn sẻ trong quá khứ và chỉ bắt đầu có vấn đề kể từ năm 1953. Năm đó, việc phê chuẩn trần nợ tại Thượng viện bị làm khó để cản trở ý định phát triển hệ thống quốc lộ của cựu Tổng thống Dwight Eisenhower. Trong khoảng 1/4 thế kỷ qua, tăng trần nợ công trở thành “vũ khí” được cả hai đảng khai thác để chống lại nhau. Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi sâu sắc dẫn tới việc Chính phủ phải đóng cửa hai lần vào cuối năm 1995 và đầu năm 1996. Một lần tranh cãi khác nữa xảy ra năm 2011 khiến tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor lần đầu tiên phải hạ mức tín nhiệm của chính phủ Mỹ.

Dù lãnh đạo của cả hai đảng hiện đều nhất trí phải nâng trần nợ công, nhưng đảng Cộng hòa yêu cầu chính phủ phải cắt giảm chi tiêu rồi mới chấp nhận nâng giới hạn nợ, bởi họ cho rằng nguyên nhân thâm hụt ngân sách là do lạm phát cao và mức chi tiêu trong hai năm đầu nhiệm kỳ của ông Biden. Ngày 26-4, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép nâng trần nợ thêm 1.500 tỷ USD với yêu cầu cắt giảm thâm hụt ngân sách 4.800 tỷ USD trong lộ trình 10 năm. Tuy nhiên, ông Biden cũng như phe Dân chủ cho rằng,việc nâng trần nợ là chuyện đương nhiên và không cần phải kèm theo điều kiện gì nữa.

Với tình hình hiện nay, khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện, có thể thấy những tranh cãi về nâng trần nợ công sẽ phức tạp hơn nhiều. Trong diễn biến liên quan, sau cuộc gặp các nghị sĩ lưỡng đảng ngày 9-5 về nâng trần nợ, ông Biden cho biết, nếu không giải quyết được vấn đề này, ông có thể phải hủy kế hoạch dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản vào cuối tháng 5-2023.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.