Quốc tế

Căng thẳng Ba Lan - Belarus gia tăng

06:46, 03/08/2023 (GMT+7)

Ba Lan, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, tuyên bố sẽ tăng cường điều quân đến biên giới miền đông giáp giới với Belarus, đồng minh thân cận của Nga, sau khi cáo buộc 2 máy bay trực thăng của quân đội Belarus vi phạm không phận Ba Lan. Sự cố mới nhất này đánh dấu bước leo thang căng thẳng đáng kể dọc khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng này.

Lính biên phòng Ba Lan tuần tra dọc hàng rào ở biên giới Ba Lan-Belarus gần làng Nowdziel. Ảnh: AP
Lính biên phòng Ba Lan tuần tra dọc hàng rào ở biên giới Ba Lan-Belarus gần làng Nowdziel. Ảnh: AP

Tranh cãi về vi phạm không phận

Theo Reuters, ngày 1-8, Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết: “Hai máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24 của Belarus đang huấn luyện gần biên giới đã vi phạm không phận của Ba Lan”. Ba Lan đang triển khai thêm quân và nguồn lực, trong đó có máy bay trực thăng chiến đấu, đến biên giới phía đông với Belarus với lý do Nga và Belarus đang tăng cường “các hành động hỗn hợp” nhằm vào nước này. Ba Lan cũng thông báo cho NATO về vụ vi phạm biên giới và triệu đại biện lâm thời của Belarus để yêu cầu giải thích nhằm giải quyết vấn đề thông qua các kênh ngoại giao trước tiên. Động thái này cũng thể hiện thông điệp rõ ràng từ Warsaw gửi tới Minsk: bất kỳ hành vi vi phạm chủ quyền nào cũng sẽ bị đáp trả bằng các biện pháp phòng vệ gia tăng.

Ở chiều ngược lại, quân đội Belarus phủ nhận cáo buộc trên khi nhấn mạnh máy bay trực thăng của họ không vi phạm biên giới, đồng thời cho rằng Ba Lan đã “tạo cớ” để biện minh cho ý đồ tăng cường triển khai quân và phương tiện chiến đấu đến biên giới. Điều đáng nói là Ba Lan ban đầu cho biết không xảy ra việc vi phạm biên giới nhưng sau khi tham vấn với các đồng minh, quân đội nước này khẳng định các máy bay Belarus đã xâm nhập khu vực Bialowieza của nước này “ở độ cao rất thấp, khó bị radar phát hiện”. Do sự bất nhất từ Ba Lan, Bộ Quốc phòng Belarus cho rằng, dường như Ba Lan bị tác động và đảo ngược kết quả đánh giá vụ việc sau khi tham khảo từ “nước ngoài”. “Tuyên bố của Ba Lan không có dữ liệu chứng minh đi kèm. Đây lại là chiêu trò cũ vì không có bất kỳ hành động vi phạm biên giới nào của các trực thăng Belarus”, cơ quan này cho biết.

Nỗi lo về Wagner

Căng thẳng dọc biên giới càng thêm phức tạp từ khi có sự xuất hiện của lực lượng quân sự tư nhân Wagner tại Belarus sau vụ nổi loạn ngày 24-6 ở Nga. Không chỉ Ba Lan, các nước láng giềng ở sườn đông NATO cũng lo ngại mối đe dọa tiềm ẩn từ lực lượng lính đánh thuê này. Cuối tuần trước, ABC News dẫn lời Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết “100 lính Wagner ở Belarus” đã tiến sát khu vực Suwalki Gap, dải lãnh thổ chiến lược của Ba Lan và là điểm đứt gãy duy nhất trên hành lang đất liền từ lục địa Nga đến cực nam của biển Baltic. Warsaw cũng đang chuẩn bị các biện pháp ứng phó các sự cố an ninh có thể xảy ra với sự hiện diện của Wagner.

Trong khi đó, ngày 1-8, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói rằng, Ba Lan nên cảm ơn Belarus vì đã giúp kiểm soát Wagner bởi lực lượng này từng công khai ý định muốn “đến thăm” thủ đô Warsaw và thành phố Rzeszow, nơi đóng quân của lực lượng Mỹ phối hợp cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. Đáng chú ý, TASS dẫn lời ông Lukashenko ngày 1-8 cho biết, ông có kế hoạch xúc tiến việc thành lập đội quân hợp đồng, trong đó các chiến binh Wagner đóng tại Belarus sẽ trở thành xương sống của lực lượng này. “Đó là sáng kiến của tôi. Tôi muốn họ ở lại trong lực lượng vũ trang của Belarus. Và dựa vào họ, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tích cực hơn để lập đội quân hợp đồng”, BelTA dẫn lời ông Lukashenko nói. Đồng thời, ông nhấn mạnh, Belarus sẽ không gây chiến nhưng muốn cho đối thủ thấy nước này có khả năng đáp trả.

Ba Lan và Litva cũng đang xem xét đóng cửa biên giới với Belarus bởi lo ngại lính Wagner trú ngụ ở nước này có thể cải trang thành người xin tị nạn cố vượt biên giới vào các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hoặc thực hiện hành động khiêu khích nhằm gây ra tình trạng bất ổn trong khu vực. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, khi các diễn biến lo ngại tiếp tục diễn ra, điều tối quan trọng đối với các bên liên quan là phải thận trọng và tìm kiếm giải pháp hòa bình để ngăn chặn bất kỳ sự leo thang nào thêm nữa.

THƯ LÊ

.