Quốc tế
Kinh tế Trung Quốc chật vật hồi phục
Ngày 15-8, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố những chỉ số kinh tế đáng chú ý trong tháng 7-2023, qua đó cho thấy nền kinh tế nước này vẫn duy trì động lực hồi phục và ghi nhận những tiến bộ nhất định. Dẫu vậy, thách thức và áp lực từ bối cảnh quốc tế vẫn rất lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trung Quốc sẽ dừng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị với thanh niên và các nhóm tuổi khác. TRONG ẢNH: Sinh viên tốt nghiệp đại học tại hội chợ việc làm gần đây ở Vũ Hán (Trung Quốc). Ảnh: AFP |
Ngành dịch vụ phục hồi nhanh
Theo Tân Hoa xã, tiêu dùng là một trong những điểm sáng của kinh tế Trung Quốc trong tháng 7-2023. Doanh thu phòng vé tăng 111% so với tháng trước đó trong khi doanh số bán các loại xe chạy năng lượng mới tăng hơn 30% theo năm. Doanh số bán lẻ của hàng tiêu dùng tăng 2,5% theo năm trong tháng 7-2023, đạt mức gần 3.680 tỷ Nhân dân tệ (hơn 512 tỷ USD). Doanh số mảng dịch vụ cũng tăng 20,3% theo năm trong 7 tháng đầu năm 2023. “Doanh số ngành dịch vụ, như hoạt động du lịch trong kỳ nghỉ hè, đã tăng đáng kể, qua đó hỗ trợ mạnh mẽ việc mở rộng mảng tiêu dùng. Mức tăng giá tiêu dùng cũng dần trở lại hợp lý”, ông Phó Lăng Huy, người phát ngôn của NBS nói.
Với các chỉ số kinh tế trong tháng 7-2023, có thể thấy kinh tế Trung Quốc vẫn đang tiếp tục xu thế phục hồi dù vẫn đối mặt với những thách thức và áp lực từ môi trường quốc tế phức tạp cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước còn khiêm tốn. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Bruce Pang, Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty JLL Greater China cho rằng, các dữ liệu của NSB cho thấy tốc độ phục hồi trong mảng dịch vụ tăng nhanh hơn nhiều so với của toàn bộ khối bán lẻ.
Tỷ lệ thất nghiệp tại các khu vực thành thị trong tháng 7-2023 ở mức 5,3%, cao hơn 0,1 điểm % so với tháng trước. Tuy nhiên, NSB sẽ dừng công bố tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị với thanh niên và các nhóm tuổi khác trên toàn quốc để “tiếp tục cải thiện và tối ưu hóa các thống kê khảo sát về lực lượng lao động”. Trong tháng 6-2023, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ trong độ tuổi từ 16-24 tăng lên mức kỷ lục 21,3%.
Sẽ tiếp tục giảm lãi suất?
Ông Bruce Pang cho rằng, các dữ liệu nói trên cho thấy kinh tế Trung Quốc đang chèo chống ngược gió với nhiều thách thức, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh sớm có thêm giải pháp phát triển chính sách lớn hơn để tháo gỡ rào cản hiện nay. Trong khi đó, theo ông Phó Lăng Huy, thời gian qua, cơ chế quản lý chính sách vĩ mô tiếp tục tăng cường và nền kinh tế Trung Quốc dự kiến duy trì đà phục hồi trong thời gian tới, trong đó sẽ tăng ở cả mảng sản xuất lẫn tiêu dùng, theo đó thị trường việc làm cũng như giá cả sẽ ổn định hơn.
Cũng trong ngày 15-8, trước khi NSB công bố dữ liệu, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất cho vay trung hạn thêm 15 điểm cơ bản (từ 2,65% xuống còn 2,5%), mức cắt giảm lớn nhất kể từ tháng 4-2020 để hỗ trợ các ngân hàng chính sách và thương mại; đồng thời hạ lãi suất cho vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tài chính. Theo ông Robin Xing, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Morgan Stanley tại Trung Quốc, trong tháng tới, Trung Quốc dự kiến tiếp tục cắt giảm lãi suất để thúc đẩy tính thanh khoản của các tổ chức tài chính, hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế.
Theo CGTN, trái với đánh giá có phần ảm đạm của nhiều chuyên gia nước ngoài, ông Phó Lăng Huy bày tỏ lạc quan về tầm nhìn kinh tế Trung Quốc trong thời gian còn lại của năm nay khi môi trường bên ngoài được cho là sẽ tốt hơn lên, cộng thêm những chính sách hiệu quả của chính phủ, trong đó có giải pháp thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ kinh tế tư nhân và củng cố mảng ngoại thương.
Dù vậy từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Standard Chartered Bank tại Trung Quốc cho rằng, giới đầu tư vẫn mong Chính phủ Trung Quốc có chính sách ảnh hưởng tầm “big - bang” thay vì nhiều chính sách mới mà quy mô tác động vẫn còn khiêm tốn như thời gian qua. Đáng chú ý, dù mảng tiêu dùng có bước phục hồi nhất định song thị trường bất động sản vẫn gặp khó khi ghi nhận mức sụt giảm đầu tư trong 7 tháng đầu năm nay. Với diễn biến này, Trung Quốc nhiều khả năng siết chặt hơn nữa thị trường bất động sản.
3,5 triệu người rớt hạng triệu phú năm 2022 Theo báo cáo tài chínAh hằng năm của Ngân hàng Thụy Sĩ UBS mới công bố, hơn 3,5 triệu người mất danh hiệu “triệu phú USD” năm 2022 trong lần sụt giảm tài sản toàn cầu đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Guardian dẫn báo cáo của UBS cho biết, số người trưởng thành có tài sản trị giá trên 1 triệu USD giảm từ 62,9 triệu người cuối năm 2021 xuống còn 59,4 triệu người cuối năm 2022. Của cải toàn cầu đang suy giảm do lạm phát cao và sự sụp đổ của nhiều loại tiền tệ so với đồng USD. |
TRẦN ĐẮC LUÂN