Quốc tế

Thế giới ra sao khi Mỹ lạm phát, Trung Quốc giảm phát?

06:12, 15/08/2023 (GMT+7)

Thế giới đang chứng kiến hai thái cực trái ngược xảy ra tại hai nền kinh tế hàng đầu. Trong khi Mỹ đang chật vật để đưa lạm phát xuống thấp thì Trung Quốc đang đau đầu với tình trạng ngược lại khi cú sốc giảm phát xuất hiện. Nhìn chung, giá giảm ở Trung Quốc có thể giúp “hạ nhiệt” lạm phát ở các quốc gia khác, thậm chí ở Mỹ, nhưng tác động theo hướng tích cực thì chỉ ở mức độ khiêm tốn.

Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Sky News
Người dân mua sắm tại một siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: Sky News

Hai thái cực đối lập

Theo AP, lạm phát giá tiêu dùng ở Mỹ tăng trở lại song ở mức vừa phải trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa trong thời gian còn lại của năm nay. Ngày 10-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 7-2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát chính của Mỹ tăng 3,2% so cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức tăng 3,0% của tháng 6-2023, qua đó phá vỡ đà “hạ nhiệt” gần đây. Đợt tăng vào tháng 7-2023 đã đẩy lãi suất của Mỹ lên mức cao nhất kể từ năm 2001.

Trong khi đó, dự báo về tăng trưởng toàn cầu mới nhất Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận đinh, kinh tế Trung Quốc đang “mất đà”. CPI trong tháng 7-2023 giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi “đi ngang” trong tháng 6-2023. PPI (chỉ số đo lường giá cả hàng hóa) cũng giảm tháng thứ mười liên tiếp, với mức giảm 4,4% trong tháng 7-2023 so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm sâu hơn dự báo. PPI giảm thường đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp cũng đi xuống. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11-2020 Trung Quốc chứng kiến cả CPI và PPI cùng giảm.

Giảm phát có vẻ như là xu hướng tốt vì về mặt lý thuyết, nếu giá cả giảm thì người dân sẽ có sức mua mạnh hơn. Tuy nhiên, nếu giá giảm trên nhiều loại hàng hóa trong thời gian dài thì người tiêu dùng có thể trì hoãn mua hàng, tác động hạn chế hoạt động kinh tế hơn nữa và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá. Do đó, vòng tuần hoàn giá giảm và giảm tiêu dùng sẽ “bóp nghẹt” doanh thu và lợi nhuận, khiến các công ty hạn chế đầu tư và giảm việc làm, gây trì trệ kinh tế.

Mức độ tác động

Bloomberg dẫn lời các chuyên gia quốc tế cho rằng, giảm phát của Trung Quốc phản ánh nhu cầu hộ gia đình yếu cũng như năng lực dư thừa ở một số bộ phận sản xuất của nước này. Nhiều khả năng lạm phát tại Trung Quốc có thể vượt ra ngoài lãnh thổ nước này và sẽ phần nào tác động kinh tế của các nước khác. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, do đó xuất khẩu và nhập khẩu là kênh chính mà qua đó những thay đổi về giá sẽ tác động trực tiếp đến phần còn lại của thế giới.

Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered (Anh), cho biết, giảm phát ở Trung Quốc “sẽ giúp làm dịu lạm phát ở Mỹ và châu Âu ở mức vừa phải. Đó là tin tốt cho các hộ gia đình ở các nước phát triển”. Chuyên gia này lý giải, nhu cầu yếu của người dân Trung Quốc sẽ giảm bớt căng thẳng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi giá sản xuất giảm có thể giúp người dân các nước khác ít tốn kém hơn khi mua hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Nhiều người dân ở các nước khác cũng hy vọng các ngân hàng trung ương sẽ ngăn chặn nguy cơ tăng lãi suất mạnh nhất trong một thế hệ. Tuy nhiên, xét về góc độ chính trị, chính phủ của nhiều nước dường như không muốn tình trạng giá xuất khẩu rẻ của Trung Quốc đảo ngược thâm hụt thương mại vốn đã được thu hẹp với nước này. Giám đốc thương mại của Liên minh châu Âu (EU) vừa cảnh báo sẽ gây áp lực buộc Trung Quốc chấp nhận hàng nhập khẩu nhiều hơn từ “lục địa già”. Bên cạnh đó, tại các nước phát triển, hàng tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc không được ưa chuộng như trước.

Trong khi đó, theo Barrons, việc Trung Quốc giảm phát cũng có thể tác động không lớn đến nỗ lực giảm lạm phát của Mỹ bởi do CPI của Mỹ chịu ảnh hưởng phần lớn bởi chi phí nhà ở, thực phẩm, năng lượng và chăm sóc sức khỏe vốn thường không gắn liền với hàng nhập khẩu từ nước châu Á này.

Bức tranh kinh tế đối lập hiện nay buộc cả Mỹ và Trung Quốc có những điều chỉnh khác nhau trong chương trình nghị sự. Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy niềm tin thị trường, mở rộng nhu cầu trong nước, thúc đẩy tiêu dùng và ổn định bất động sản. Bloomberg dẫn lời giới chức thuộc Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, áp lực giảm phát lần này sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn từ 1 - 2 tháng bởi chu kỳ tăng giá mới hay “lạm phát vòng 2” được dự báo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nửa cuối năm nay ở phạm vi toàn cầu khi giá gạo, thực phẩm và nhiên liệu sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, Mỹ vẫn đang kiên định với mục tiêu đưa lạm phát xuống mức 2% và FED để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất. Các quyết định của FED tiếp tục thử thách các ngân hàng trong nước cũng như những thị trường mới nổi.

THƯ LÊ

.