Quốc tế
Quan hệ Mỹ - Iran vẫn bất định
Mỹ và Iran vốn là đối thủ “không đội trời chung” của nhau trong nhiều thập niên qua. Quan hệ giữa hai nước đang ở mức căng thẳng cao trong hàng loạt vấn đề gai góc như chương trình hạt nhân của Iran, các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng minh nhằm vào Tehran, an ninh, an toàn ở Vùng Vịnh hay các cuộc xung đột ở Trung Đông…Tuy nhiên, không vì thế hai bên “cạch mặt” nhau vĩnh viễn. Hiện có các kênh liên lạc khác nhau, nhất là sự hỗ trợ của bên thứ ba, nhằm gỡ từng “nút thắt”, qua đó có thể tạo bước đột phá trong quan hệ Tehran - Washington.
Một trong những ưu tiên hiện nay là các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Mỹ đơn phương rút lui dưới thời Tổng thống Donald Trump. Cả Iran và Mỹ cũng không ít lần tiết lộ rằng đôi bên “đang tiến tới giai đoạn cuối đàm phán”, song đến nay vẫn còn là câu chuyện ở phía trước.
Tuy nhiên, mới đây, sau hơn 2 năm đàm phán kín và căng thẳng giữa các quan chức Mỹ và Iran thông qua Oman, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải, “thỏa thuận phức tạp” được công bố vào ngày 10-8 và có thể hoàn tất trước cuối tháng 9-2023. Theo đó, Iran sẽ trả tự do cho 5 người Mỹ bị giam giữ ở Iran và một số người Iran không xác định bị giam giữ ở Mỹ.
Đổi lại, hàng tỷ USD của Iran đang bị “đóng băng” sẽ được chuyển từ các ngân hàng ở Hàn Quốc sang Qatar. Số tiền đang được Seoul giữ có thể khoảng từ 6 tỷ USD đến 7 tỷ USD, tùy thuộc vào tỷ giá hối đoái. Số tiền này thực chất là số tiền Hàn Quốc nợ Iran nhưng chưa trả cho số dầu đã mua trước khi chính quyền ông Trump áp lệnh trừng phạt đối với các giao dịch như vậy hồi năm 2019.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết, cùng với thỏa thuận trao đổi tù nhân, các ngân hàng Hàn Quốc chấp nhận giải phóng khối tài sản của Iran đang bị đóng băng tại nước này theo lệnh cấm vận trước đó của Mỹ. Iran khẳng định đã nhận bảo đảm từ Mỹ về việc giải phóng khối tài sản bị đóng băng. Tuy nhiên, Mỹ và Iran hiện vẫn tranh cãi về cách sử dụng số tiền nói trên. Ngày 11-8, người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby tuyên bố: “Về cơ bản, các khoản tiền này chỉ có thể được sử dụng cho thực phẩm, thuốc men, thiết bị y tế không có mục đích lưỡng dụng. Ngoài ra sẽ có quy trình thẩm định nghiêm ngặt và các tiêu chuẩn của Bộ Tài chính Mỹ”.
Những giao dịch đó được cho phép theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran về chương trình hạt nhân. Ở chiều ngược lại, Iran bác bỏ tuyên bố của Mỹ, đồng thời khẳng định có toàn quyền kiểm soát các khoản tiền mà Hàn Quốc chuyển trả qua trung gian Qatar. Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Mohammed Abdulaziz al-Khulaifi cho biết, thỏa thuận này phản ánh niềm tin của các bên đối với Qatar với tư cách là nhà hòa giải trung lập và đối tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình.
Trong diễn biến liên quan, không lâu sau khi đạt được thỏa thuận với Mỹ về trao đổi tù nhân, Iran thông báo nước này đã giảm đáng kể tốc độ tích lũy uranium được làm giàu ở mức độ cao. TheoWall Street Jounal, Iran gần đây đã pha loãng phần nhỏ kho dự trữ uranium đã được làm giàu 60%, qua đó giảm đáng kể tốc độ tích lũy uranium được làm giàu ở mức độ cao. Theo giới quan sát, cuộc mặc cả trong thỏa thuận trao đổi tù nhân, cùng với việc giảm tốc độ làm giàu uranium của Tehran được coi là dấu hiệu tích cực để có thể hướng tới hồi sinh JCPOA nhưng vẫn chưa cho thấy tín hiệu giảm nhiệt rõ ràng trong căng thẳng Mỹ-Iran.
Thực tế, bên cạnh căng thẳng về vấn đề hạt nhân của Iran, một loạt cuộc tấn công và bắt giữ tàu kể từ năm 2019 ở Trung Đông vốn được quy cho Tehran đang là mối lo ngại của Washington. Thậm chí gần đây, Lầu Năm Góc đang xem xét kế hoạch điều quân bảo vệ các tàu thương mại đến eo biển Hormuz, nơi có đến 20% tổng số chuyến hàng dầu đi qua Vịnh Ba Tư. Mỹ cũng đang triển khai trên quy mô lớn các thủy thủ và lính thủy đánh bộ, cùng các máy bay chiến đấu ở Trung Đông mà đối tượng nhắm đến không ai khác chính là Iran.
TUYẾT MINH