Quốc tế

Trung Quốc truy quét tham nhũng trong ngành y tế hậu Covid-19

06:31, 14/08/2023 (GMT+7)

Sau cuộc chiến chống Covid-19, giới chức Trung Quốc tăng cường nỗ lực chống tham nhũng trong ngành y tế vốn nhận tài trợ công trị giá hàng tỷ USD trong thời điểm dịch bệnh hoành hành. Đây cũng là một trong những lĩnh vực gây bất bình lớn nhất trong người dân do chi phí cao và tham nhũng tràn lan.

Chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế khởi động sau khi Trung Quốc kết thúc chính sách Zero-Covid. TRONG ẢNH: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Norman Bethune của Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) tháng 2-2023. Ảnh: Global Times.
Chiến dịch chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế khởi động sau khi Trung Quốc kết thúc chính sách Zero-Covid. TRONG ẢNH: Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Norman Bethune của Đại học Cát Lâm (Trung Quốc) tháng 2-2023. Ảnh: Global Times.

Chiến dịch chống tham nhũng trong ngành y tế khởi động sau khi Trung Quốc kết thúc chính sách ZeroCovid. Trong 3 năm áp dụng chính sách nghiêm ngặt này, Trung Quốc “rót” hơn 15 tỷ USD cho các cơ sở y tế toàn quốc. Việc chuyển hướng sang điều tra lĩnh vực y tế sau khi xuất hiện thông tin về việc các công ty y tế hối lộ quan chức các bệnh viện công.

Chiến dịch sâu rộng và mạnh mẽ

Ngày 13-8, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, tổng cộng 176 giám đốc và bí thư đảng ủy tại các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc đã bị điều tra từ đầu năm tới nay, trong đó nhiều người bị sa thải, kỷ luật hoặc xử lý hình sự. Theo SCMP, sẽ có nhiều “quan tham” hơn nữa trong ngành y tế bị bắt và các hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn trước đây. Chính quyền Quảng Đông cam kết khoan hồng cho các lãnh đạo bệnh viện và quan chức y tế có hành vi tham nhũng ra đầu thú trong tháng 8-2023.

Trước đó, ngày 15-7, Bộ Tài chính cùng Cục Quản lý quỹ bảo hiểm y tế ra thông cáo chung, yêu cầu thanh tra quỹ ngân sách y tế địa phương và điều tra kỹ lưỡng mọi vi phạm. Một tuần sau, Ủy ban Y tế quốc gia phát động chiến dịch chấn chỉnh ngành y tế kéo dài một năm. Ngày 28-7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Trung Quốc, yêu cầu tăng cường thanh tra và giám sát ngành y tế, tuyên bố: “Cuộc chiến chống tham nhũng trong ngành y rất cần thiết để thúc đẩy chiến lược vì một Trung Quốc khỏe mạnh”. Theo đó, chiến dịch được thực hiện trong 10 tháng nữa. Các cơ quan chức năng sẽ tiến hành quản lý chuyên sâu và có hệ thống đối với ngành dược phẩm, tập trung vào các “nhân vật chủ chốt” và các mối liên kết chính như sản xuất, cung ứng và bán hàng. Những quy định và quy tắc mới sẽ được ban hành dựa trên kết quả điều tra.

Theo Global Times, chiến dịch chống tham nhũng năm 2023 của nước này khác với các chiến dịch trước đó bởi nó sâu rộng và mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thực tế, các cuộc chiến chống tham nhũng trước đây tập trung nhiều hơn vào các cơ sở và nhân viên y tế, trong khi chiến dịch này bao quát hơn. Lý do khác thúc giục chính quyền “để mắt” là vấn nạn tham nhũng ngày càng ăn mòn hệ thống y tế, khiến công chúng khó tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hơn trong khi chi phí khám, chữa bệnh rất cao.

Được biết, bên cạnh chi phí nhà ở và giáo dục, dịch vụ y tế đắt đỏ được coi là một trong “ba gánh nặng lớn” với người dân. Các chuyên gia gợi ý, bước tiếp theo để các bệnh viện trấn áp tham nhũng là kết hợp xây dựng Đảng và chống tham nhũng; cải thiện các quy tắc vận hành của bệnh viện; tăng cường xây dựng dữ liệu lớn trong lĩnh vực y tế, nhằm thúc đẩy minh bạch dữ liệu, chẳng hạn giá mua thuốc và thiết bị.

Chỉnh đốn ngành dược phẩm

SCMP dẫn lời ông Dai Ming, nhà quản lý quỹ tại Huichen Asset (Thượng Hải), nhận định, chiến dịch nói trên là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, qua đó định hình lại các quy tắc của ngành dược phẩm. Trong thời gian diễn ra chiến dịch nói trên, doanh số bán hàng tại một số công ty dược phẩm có thể sẽ chậm lại.

Cũng đồng quan điểm này, ông Du Xiangyang, nhà phân tích tại Công ty Southwest Securities, nói: “Chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế chủ yếu sẽ ảnh hưởng các công ty dược phẩm vừa và nhỏ vốn thường không tuân thủ luật trong bán hàng. Do đó, tốc độ bán sản phẩm mới cũng sẽ chậm lại trong một số quý, đặc biệt sản phẩm có lợi nhuận lớn”.

Nỗ lực loại bỏ tham những trong hệ thống y tế của Trung Quốc làm rúng động lĩnh vực dược phẩm, “xóa sạch” 67,5 tỷ Nhân dân tệ giá trị thị trường trong hai tuần qua. Chỉ số y tế CSI 300, chuyên theo dõi cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc và thiết bị y tế lớn nhất Trung Quốc, giảm gần 5% trong 2 tuần qua. Giới đầu tư tăng cường bán tháo cổ phiếu dược phẩm trong tuần qua sau khi các vụ tham nhũng bị đưa ra ánh sáng.

Ông Xie Maosong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định, việc nhắm mục tiêu vào lĩnh vực y tế lần này cho thấy quyết tâm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” quy mô lớn vốn được phát động từ năm 2012.

Số ca mắc Covid-19 tăng 80% do biến thể phụ mới EG.5
Biến thể phụ EG.5 (biệt danh Eris), biến thể phụ của Omicron, đang lây lan nhanh toàn thế giới và là nguyên nhân tăng 80% ca mắc mới Covid-19 trong tháng 7-2023. Biến thể phụ này đang lây lan nhanh và trở thành chủng phổ biến nhất ở Mỹ. Theo Tổ chức Y tế thế giới, EG.5 có nguy cơ thấp đối với sức khỏe cộng đồng. Biến thể phụ này ngày càng phổ biến và có khả năng né miễn dịch nhưng chưa có bằng chứng cho thấy nó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn cũng như khả năng lây lan dễ dàng hơn các biến thể trước đó. Các loại vắc-xin và phương pháp điều trị hiện tại vẫn có hiệu quả trước EG.5.

THƯ LÊ

.