Quốc tế
Phương Tây không thể từ bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga
Nga hiện vẫn là nguồn cung cấp khoảng một nửa nhu cầu nhiên liệu hạt nhân trên thế giới, trong đó có Ukraine, Mỹ, và châu Âu dù đa số các nước phương Tây rất muốn thoát khỏi lệ thuộc vào Nga về mặt hàng quan trọng này.
Theo Bloomberg, Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom (Nga) hiện cung cấp nhiên liệu cho nhiều lò phản ứng cũ ở Đông Âu. Ngoài ra, Nga đang cung cấp khoảng 30% nhu cầu uranium đã được làm giàu cho Liên minh châu Âu (EU). Nước này cũng là nhà cung cấp chính uranium đã làm giàu cho Mỹ. Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng uranium làm giàu cho các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ năm 2022. Ngoài ra, Rosatom cung cấp toàn bộ uranium làm giàu ở các cấp độ cao hơn (HALEU) cho lò phản ứng module nhỏ thế hệ mới nhất (SMR) ở Mỹ. Bên cạnh đó, dù đang xung đột với Ukraine, Nga vẫn cung cấp 24% uranium làm giàu cho nước láng giềng này.
Theo Sputnik, phương Tây tránh các biện pháp trừng phạt chống lại Rosatom vì có nguy cơ gây thiệt hại nhiều hơn cho ngành công nghiệp hạt nhân và nền kinh tế của chính họ so với Nga. Đối với Mỹ, việc giảm nguồn cung uranium từ Nga ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh năng lượng của nước này. Tháng 3-2023, Mỹ và Canada cam kết cùng xây dựng lại năng lực hạt nhân ở Bắc Mỹ. Quốc hội Mỹ đang xem xét giới hạn trong nước đối với nhập khẩu uranium của Nga và khuyến khích đầu tư để thu hút các nhà cung cấp mới. Mỹ, Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp cũng ký thỏa thuận riêng về phát triển “chuỗi cung ứng chung nhằm cô lập Nga”. Tuy nhiên, sẽ mất khoảng 5 năm để hoàn thành việc thoát khỏi sự lệ thuộc vào Nga.
NGHI VĂN