Quốc tế
Hộ chiếu kỹ thuật số: Cuộc cách mạng di chuyển
Ngoài tấm hộ chiếu bằng giấy thông thường thì phần lớn các quốc gia đã phát hành một số dạng hộ chiếu điện tử. Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ đang dẫn tới quá trình tiến hóa không ngừng của tấm hộ chiếu để phục vụ con người cũng như hỗ trợ quá trình quản lý nhanh chóng, hiệu quả. Việc Phần Lan thí điểm hộ chiếu kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới thu hút mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế, nhất là những người thường xuyên di chuyển đến nhiều nước khác nhau.
Theo Forbes, với số tiền tài trợ 2,5 triệu USD từ Liên minh châu Âu (EU), Phần Lan đang triển khai thí điểm chương trình thí điểm hộ chiếu kỹ thuật số với sự hợp tác của hãng hàng không quốc gia Finnair, nhà điều hành sân bay Finavia và Cảnh sát Phần Lan.
Trong chương trình kéo dài đến tháng 2-2024, chỉ có công dân Phần Lan trên các chuyến bay của Finnair đến và đi từ London, Manchester và Edinburgh được phép tham gia chương trình này. Với hộ chiếu kỹ thuật số, du khách chỉ cần quét ứng dụng được cài sẵn trên điện thoại thông minh tại các điểm kiểm tra an ninh ở sân bay, thay vì phải xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm tra an ninh, xác minh danh tính.
Cùng với thí điểm kéo dài 6 tháng đang diễn ra ở Phần Lan, EU mong muốn ít nhất 80% công dân trong khối gồm 27 quốc gia thành viên này sẽ sử dụng ID kỹ thuật số vào năm 2030. EU dự định triển khai các chương trình thí điểm tương tự cho các sân bay Zagreb Franjo Tuđman (Croatia) và Schiphol Amsterdam (Hà Lan).
Trong khi đó, theo TASS, Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây ký sắc lệnh liên quan việc chuyển sang sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số thay cho hộ chiếu thường cũng như xác định rõ các trường hợp sử dụng loại hộ chiếu mới này. Interfax dẫn lời Bộ trưởng Phát triển kỹ thuật số Nga Maksut Shadayev cho biết, công nghệ này cũng đã được Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông qua sau khi xem xét các vấn đề liên quan tới việc bảo vệ dữ liệu và an ninh. Tuy nhiên, ông Shadayev lưu ý, Nga sẽ không hủy bỏ tấm hộ chiếu giấy.
Hiện, phần lớn các quốc gia phát hành một số dạng hộ chiếu điện tử, thường được xác định bằng biểu tượng camera sinh trắc học được in trên bìa hoặc gắn chip RFID chứa dữ liệu sinh trắc học để bảo đảm hộ chiếu khó bị sao chép hoặc giả mạo hơn.
Do đó, việc Phần Lan, Nga hay EU đang hướng tới chuyển sang sử dụng hộ chiếu kỹ thuật số bằng cách bắt đầu chương trình thử nghiệm sẽ mở cánh cửa để loại hộ chiếu tiên tiến này được áp dụng khắp châu Âu và từng bước lan tỏa ra tới các châu lục khác trong tương lai gần.
Tuy nhiên, để hộ chiếu kỹ thuật số nhanh chóng đi vào cuộc sống, tránh những lo ngại về quyền riêng tư, cách thức quản lý trên phạm vi toàn cầu, những sự cố kỹ thuật, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Chính phủ các nước, các tổ chức, nhà cung cấp công nghệ và cả cộng đồng.
Hầu hết các nhà khoa học, nhà quản lý và dư luận xã hội đều cho rằng, sự ra đời hộ chiếu kỹ thuật số sẽ đánh dấu “cuộc cách mạng di chuyển”, nhất là trong lĩnh vực du lịch, dẫn tới sự thay đổi lớn về thủ tục và giấy tờ cá nhân mỗi khi đi từ nước này sang nước kia. Nói cách khác, trong tương lai, không chỉ “ví tiền”, công cụ theo dõi quản lý ngôi nhà, các loại giấy tờ tùy thân khác như tấm hộ chiếu đều nằm gọn trong chiếc điện thoại di động.
Bên cạnh câu chuyện tương lai của hộ chiếu kỹ thuật số, sân bay Changi (Singapore) mới đây gây bất ngờ khi thông báo hành khách rời sân bay này sẽ làm thủ tục thông quan tự động bằng công nghệ sinh trắc học (biometric) mà không cần hộ chiếu từ đầu năm 2024.
Đây là sự tự do đi lại dành cho người Singapore, những người đã được hưởng quyền miễn thị thực và được cấp thị thực theo yêu cầu tới nhiều điểm đến hơn công dân của bất kỳ quốc gia nào khác. Đó là lý do tại sao hộ chiếu nước này đứng đầu danh sách hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2023.
TUYẾT MINH