Quốc tế

Triều Tiên củng cố vị thế của lực lượng hạt nhân

07:47, 29/09/2023 (GMT+7)

Triều Tiên vừa công bố nhiều quyết sách quan trọng đối với vận mệnh quốc gia, trong đó nổi bật nhất chính là việc sửa đổi Hiến pháp để xây dựng chính sách lực lượng hạt nhân thành luật cơ bản của Nhà nước, hiện đại hóa vũ khí hạt nhân để giữ vững lợi thế răn đe chiến lược. Bước đi quyết liệt cho thấy ý chí tăng cường lực lượng hạt nhân của nước này sẽ mang tính lâu dài, “không thể đảo ngược”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức tham dự kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân tối cao khóa XIV tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và các quan chức tham dự kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân tối cao khóa XIV tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AFP

Đáng chú ý, Triều Tiên đưa ra sửa đổi mới nhất nói trên chỉ một năm sau khi chính thức quy định trong luật về quyền sử dụng tấn công hạt nhân phủ đầu để tự bảo vệ trong bối cảnh quốc tế rất phức tạp.

“Sự kiện lịch sử tạo đòn bẩy chính trị mạnh mẽ”

Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng Nhân dân tối cao khóa XIV (SPA, tức Quốc hội Triều Tiên) diễn ra trong hai ngày 26 và 27-9. Tâm điểm của nghị trình là thông qua một số nội dung sửa đổi và bổ sung đối với Hiến pháp bao hàm điều khoản xác định vị trí của lực lượng hạt nhân trong hệ thống quốc phòng và nguyên tắc trong hoạt động Nhà nước liên quan xây dựng lực lượng hạt nhân. Bên cạnh đó, hội nghị thông qua quyết định thành lập Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ quốc gia thuộc Tổng cục Công nghệ Hàng không Vũ trụ Triều Tiên.

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định, luật mới là bước quan trọng công bằng, hợp lý nhất, đáp ứng đầy đủ không chỉ yêu cầu cấp bách của thời đại hiện nay mà còn tính hợp pháp, yêu cầu lâu dài của việc xây dựng đất nước xã hội chủ nghĩa. “Đây là sự kiện lịch sử, mang đến đòn bẩy chính trị mạnh mẽ để củng cố đáng kể năng lực quốc phòng”, ông Kim Jong-un nhấn mạnh. Ông kêu gọi tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân cũng như triển khai chúng vào các dịch vụ khác nhau.

Ông Choe Ryong Hae, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc vụ, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ SPA nhấn mạnh, nội dung sửa đổi phản ánh Triều Tiên, quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm, phát triển vũ khí hạt nhân cấp độ cao để bảo đảm quyền tồn tại và phát triển đất nước, ngăn chặn chiến tranh và bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và phần còn lại của thế giới.

Mỹ và đồng minh lo ngại

CNN nhận định, động thái trên, dù chủ yếu mang tính biểu tượng nhưng củng cố quan điểm của Triều Tiên rằng nước này là cường quốc hạt nhân lâu dài và ý tưởng phi hạt nhân hóa hoặc từ bỏ vũ khí, vốn là yêu cầu chính của Mỹ và các đồng minh phương Tây, sẽ bị tắc nghẽn và nhiều khả năng không có đàm phán giữa các bên liên quan. Trong phản ứng mới nhất, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Hiến pháp sửa đổi cho thấy ý chí mạnh mẽ của Bình Nhưỡng trong việc không từ bỏ chương trình hạt nhân.

Theo nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Triều Tiên không có lựa chọn nào khác phải tăng tốc phát triển lực lượng hạt nhân trong bối cảnh hợp tác an ninh ba bên Hàn-Mỹ-Nhật đang đặt ra “mối đe dọa thực sự nghiêm trọng nhất, không phải đe dọa bằng lời nói khoa trương hay một thực thể tưởng tượng”. Theo ông, tiến trình hình thành “liên minh quân sự tam giác” giữa Seoul, Washington và Tokyo cuối cùng sẽ dẫn tới sự trỗi dậy của “Phiên bản NATO ở châu Á”. Thực tế, những động thái cứng rắn của Triều Tiên gần đây khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản xích lại gần nhau hơn, đặc biệt về hợp tác quốc phòng với kế hoạch tập trận chung mới. GS Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định: “Chiến tranh Lạnh kiểu mới ở khu vực Đông Bắc Á và căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên sẽ gia tăng”.

Quốc hội Triều Tiên thông qua những quyết sách quan trọng nêu trên sau khi ông Kim Jong-un có chuyến công du hiếm hoi tới Nga, trong đó ông và Tổng thống Vladimir Putin đồng ý tăng cường hợp tác quân sự “thuận theo tự nhiên”. Sự gắn kết này càng khiến Mỹ và Hàn Quốc thêm lo ngại Bình Nhưỡng có thể đang trông cậy sự trợ giúp của Nga về công nghệ tiên tiến để phục vụ chương trình hạt nhân và tên lửa của mình.

Binh sĩ Mỹ trở về nước sau khi bị Triều Tiên trục xuất
Ngày 27-9, Triều Tiên cho biết nước này đã trục xuất Travis King, binh sĩ người Mỹ vượt biên vào nước này hồi tháng 7-2023. Trước đó, ngày 18-7, Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC) do Mỹ đứng đầu xác nhận King, người đang phục vụ trong quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, vượt giới tuyến vào Triều Tiên trong khi cùng các du khách tham quan khu vực an ninh chung (JSA) trong Khu phi quân sự (DMZ). Theo AFP, ngày 27-9, Nhà Trắng gửi lời cám ơn Trung Quốc vì đã cho phép King quá cảnh để trở về Mỹ sau khi bị Triều Tiên trục xuất. Ông Sullivan cũng gửi lời cám ơn đến Thụy Điển, quốc gia là đại diện ngoại giao của Mỹ tại Triều Tiên. Hiện chưa rõ biện pháp kỷ luật mà King sẽ phải đối mặt vì hành động của mình.

THƯ LÊ

.