Quốc tế
Nỗ lực ngừng bắn bất thành ở Gaza
Hy vọng về lệnh ngừng bắn ngắn hạn ở miền nam Dải Gaza để cho phép công dân nước ngoài rời khỏi và đưa nguồn viện trợ khẩn cấp cho người Palestine ở điểm nóng xung đột này đã không thành.
Người dân tập trung bên ngoài cửa khẩu Rafah giáp Ai Cập để tìm cách rời khỏi Gaza. Ảnh: CNN |
Thương vong vẫn không ngừng tăng tại “chảo lửa” Gaza. Tính đến ngày 16-10, ít nhất 2.750 người ở Gaza thiệt mạng do các cuộc tấn công của Israel, 1/4 trong số đó là trẻ em và gần 10.000 người bị thương. Hơn 1.000 người khác đang mất tích và được cho là đang nằm dưới đống đổ nát.
Israel bác bỏ thông tin ngừng bắn tạm thời
Ngày 16-10, Reuters dẫn thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo: “Hiện tại không có lệnh ngừng bắn và viện trợ nhân đạo nào ở Gaza để đổi lấy việc đưa người nước ngoài ra bên ngoài”. Dù không có lệnh ngừng bắn nhưng quân đội Israel cam kết không tấn công các tuyến đường dành riêng cho việc sơ tán người dân từ phía bắc xuống phía nam Dải Gaza trong khung thời gian từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Trong khi đó, quan chức Hamas Izzat El Reshiq cũng xác nhận việc mở cửa biên giới với Ai Cập hoặc lệnh ngừng bắn tạm thời đều không phải là sự thật.
Trước đó, Reuters cho biết, Ai Cập, Israel và Mỹ đạt thỏa thuận ngừng bắn nhằm tạo điều kiện cho công dân nước ngoài sơ tán và cho phép hàng viện trợ đi qua cửa khẩu Rafah ở nam Gaza, sát biên giới Ai Cập. Đây là cửa khẩu duy nhất đi vào Gaza không do Israel kiểm soát.
Tính đến ngày 16-10, hơn 1 triệu người, tức khoảng một nửa dân số Gaza, đã di tản. Kể từ khi Tel Aviv yêu cầu hơn 1,1 triệu dân ở phía bắc Gaza di tản để dọn đường cho cuộc tổng tiến công trên bộ, khoảng hơn 600.000 người đã đi xuống phía nam. Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc (LHQ) khẳng định, nước này không có ý định chiếm đóng Gaza nhưng sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để loại bỏ “cỗ máy chiến tranh” của Hamas. Tuyên bố này nhằm xoa dịu lo ngại của Mỹ khi Tổng thống Joe Biden kêu gọi Israel tuân theo “các quy tắc chiến tranh” trong việc đáp trả Hamas, đồng thời chỉ trích cuộc tấn công sắp tới là “sai lầm lớn” về mặt chiến lược. Hiện có khoảng 500 đến 600 người Mỹ gốc Palestine đang mắc kẹt ở Gaza.
Vai trò trung gian của Ai Cập
Ngay từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, bên cạnh tiếng nói của Mỹ, Ai Cập trở thành chủ thể trung gian quan trọng bởi nước này kiểm soát cửa khẩu Rafah, lối thoát hiểm duy nhất của dân Gaza và là nơi tiếp nhận hàng viện trợ từ bên ngoài vào trong bối cảnh Israel phong tỏa toàn diện khu vực. Ai Cập cũng có thể phát huy vai trò trung gian trong việc hỗ trợ đưa viện trợ nhân đạo vào Gaza trong tình thế cấp bách này bởi lâu nay nước này được mặc định là nhà điều đình mà cả Israel và Hamas đều ít nghi kỵ nhất trong thời gian qua.
CNN dẫn thông báo từ Văn phòng nhân đạo LHQ (OCHA) cho biết, dự trữ nhiên liệu tại tất cả bệnh viện ở Gaza dự kiến chỉ còn tồn tại được khoảng 24 giờ nữa, khiến hàng nghìn bệnh nhân rơi vào tình thế nguy hiểm. Điểm đáng lo ngại khác là dự trữ nguồn nước sạch cho nam Gaza nhiều khả năng cạn kiệt ngày 17-10. Trong khi đó, nguồn cung cấp nhân đạo cho Gaza từ Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Tổ chức Y tế thế giới và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đổ xô đến thành phố El-Arish (Ai Cập), cách Rafah khoảng 45km. Tuy nhiên, tất cả hàng viện trợ vẫn đang chất đống ở phía biên giới Ai Cập do thế bế tắc ở Rafah.
Hiện, Ai Cập đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng về việc hỗ trợ đưa nguồn viện trợ vào Gaza và mở hành lang nhân đạo, trước mắt là cho phép công dân nước ngoài vào nước này. Ai Cập khẳng định, nước này vẫn mở cửa Rafah nhưng các cuộc không kích của Israel tại Dải Gaza đã làm ngưng trệ hoạt động qua cửa khẩu này. Nước này sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác khu vực và quốc tế để giảm leo thang. Trong khi đó, theo New York Times, Ai Cập hiện không yên tâm về viễn cảnh hàng trăm nghìn người tị nạn Palestine tràn vào lãnh thổ bởi Ai Cập từ lâu yêu cầu Israel phải giải quyết vấn đề Palestine trong phạm vi biên giới của mình. Hội đồng An ninh quốc gia Ai Cập nêu rõ lập trường này khi khẳng định an ninh quốc gia là ranh giới đỏ và không có bất kỳ sự thỏa hiệp nào về vấn đề này. Một kịch bản khác cũng khiến Ai Cập lo lắng là nước này có thể trở thành nước quản lý thực tế của Dải Gaza.
THƯ LÊ