Giới siêu giàu gây ô nhiễm nhiều nhất

.

Theo báo cáo của tổ chức Oxfam International (Anh), nhóm 1% người giàu nhất thế giới (77 triệu người ) xả lượng khí thải CO2 tương đương nhóm 66% có thu nhập thấp nhất (hơn 5 tỷ người), cản trở nỗ lực toàn cầu giải quyết tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Nhóm 1% người giàu nhất thế giới xả lượng khí thải CO2 tương đương nhóm 66% có thu nhập thấp nhất. Ảnh minh họa: The Guardian
Nhóm 1% người giàu nhất thế giới xả lượng khí thải CO2 tương đương nhóm 66% có thu nhập thấp nhất. Ảnh minh họa: The Guardian

Báo cáo “Bình đẳng khí hậu: Hành tinh của 99% dân số” được công bố vào ngày 19-11 là nghiên cứu toàn diện nhất về vấn đề bất bình đẳng khí hậu toàn cầu. Báo cáo dựa trên nghiên cứu do Viện Môi trường Stockholm đánh giá khí thải gắn với các nhóm thu nhập, được công bố trước thềm các cuộc đàm phán về khí hậu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) tại Dubai cuối tháng 11-2023.

Những con số bất bình đẳng

Tờ Guardian dẫn báo cáo cho biết, nhóm 1% tập hợp 77 triệu tỷ phú, triệu phú và những người chi tiêu hơn 140.000 USD mỗi năm (tính tại Mỹ, theo ngang giá sức mua) phải chịu trách nhiệm về 16% tổng lượng khí thải CO2 trong năm 2019. Tỷ lệ này ngang bằng 66% dân số toàn cầu có thu nhập thấp nhất, tương đương hơn 5,1 tỷ người.

Trong khi nhóm 1% giàu nhất với lượng khí thải 5,9 tỷ tấn CO2 vào năm 2019 là nguyên nhân gây ra những nỗi thống khổ cho các cộng đồng dễ bị tổn thương toàn cầu. Theo nghiên cứu, đó là những người sống trong cảnh nghèo đói, cộng đồng dân tộc bị thiệt thòi, người di cư, phụ nữ và trẻ em gái, những người sống và làm việc trong môi trường dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt. Những nhóm này ít có khả năng nhận tiền bảo hiểm hoặc bảo trợ xã hội, khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn về mặt kinh tế cũng như thể chất do lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và cháy rừng.

Đáng chú ý, báo cáo tính toán, chỉ riêng lượng khí thải từ 1% cũng đủ “tiếp tay” gây ra cái chết của 1,3 triệu người do liên quan nắng nóng trong những thập niên tới. Một người thuộc nhóm 99% còn lại sẽ mất khoảng 1.500 năm mới có thể tạo ra lượng khí thải carbon bằng lượng mà những người giàu nhất thế giới tạo ra trong một năm. Các nước đang phát triển chiếm tới 91% số ca tử vong liên quan đến thời tiết khắc nghiệt.

Theo thống kê, 12 tỷ phú giàu nhất thế giới, trong đó có ông chủ Amazon Jeff Bezos, nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich, tỷ phú công nghệ Bill Gates, tỷ phú Elon Musk, đã thải ra nhiều khí thải nhà kính từ du thuyền, máy bay riêng, biệt thự và đầu tư tài chính hơn lượng phát thải năng lượng hàng năm của 2 triệu ngôi nhà hoặc lượng khí thải từ 4,6 nhà máy nhiệt điện than trong một năm.

Ông Chiara Liguori, cố vấn chính sách công lý khí hậu cấp cao của Oxfam, nhận định: “Giới siêu giàu đang gây ô nhiễm hành tinh đến mức hủy diệt và chính những người có ít khả năng làm chuyện đó nhất là những người đang phải trả giá cao nhất. Cuộc khủng hoảng kép về khí hậu và bất bình đẳng đang tiếp tục bổ trợ cho nhau”.

Kêu gọi đánh thêm thuế

Điều đáng nói là các công ty của nhiều người siêu giàu đang gây ô nhiễm nặng nề. Theo báo cáo, tầng lớp thượng lưu này cũng nắm giữ quyền lực chính trị to lớn và ngày càng tăng bằng cách sở hữu các tổ chức truyền thông và mạng xã hội, thuê các cơ quan quảng cáo và PR, cũng như các nhà vận động hành lang, đồng thời có mối liên hệ với các chính trị gia cấp cao, những người cũng thường là thành viên của 1% giàu nhất.

Chẳng hạn ở Mỹ, cứ 4 thành viên Quốc hội thì có một người sở hữu cổ phiếu của các công ty đầu tư vào các ngành không thân thiện với môi trường như nhiên liệu hóa thạch với tổng trị giá từ 33 đến 93 triệu USD. Thông qua các tập đoàn mà họ sở hữu, các tỷ phú xả lượng CO2 nhiều hơn 1 triệu lần so với người bình thường. Điều này giúp giải thích tại sao lượng khí thải toàn cầu tiếp tục tăng và vì sao các chính phủ ở bắc bán cầu cung cấp 1.800 tỷ USD trợ cấp ngành nhiên liệu hóa thạch năm 2020, động thái trái ngược cam kết quốc tế về giảm dần lượng khí thải carbon.

Trước thực trạng này, Oxfam đang kêu gọi đánh thuế tài sản khổng lồ đối với giới siêu giàu và thuế lợi tức phụ thu (windfall tax) đối với các công ty nhiên liệu hóa thạch để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất, qua đó giảm bất bình đẳng và tài trợ quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Ước tính, mức thuế 60% đối với thu nhập của 1% người giàu nhất sẽ thu về 6.400 tỷ USD mỗi năm và có thể cắt giảm 695 triệu tấn khí thải toàn cầu.

Theo đồng tác giả của báo cáo Max Lawson, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thách thức chung và cần sự chung tay của chính phủ các nước thông qua xây dựng chính sách và hành động phù hợp. Điều trước hết là phải ban hành những chính sách yêu cầu những người thải lượng khí thải nhiều nhất phải chấp nhận đóng mức thuế lớn nhất.

Khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia chỉ phần nào giải thích được sự chênh lệch mức thải carbon. Theo Oxfam, các quốc gia có thu nhập cao (chủ yếu ở bắc bán cầu) chịu trách nhiệm về 40% lượng khí thải carbon hình thành từ tiêu dùng toàn cầu, trong khi phần đóng góp từ các nước có thu nhập thấp (chủ yếu ở nam bán cầu) chỉ là 0,4%. Châu Phi, nơi sinh sống của khoảng 1/6 dân số thế giới, chỉ chịu trách nhiệm cho 4% lượng khí thải.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.