Quốc tế
Hệ thống y tế Gaza kiệt quệ
Dải Gaza đang đối mặt với khủng hoảng y tế nghiêm trọng khi các bệnh viện lớn ở đây trở thành mục tiêu tấn công trong các đợt giao tranh. Thực tế này đặt ra câu hỏi cấp bách: Tại sao các cơ sở y tế này mất đi sự bảo vệ đặc biệt theo luật nhân đạo quốc tế?
Bệnh nhân và người dân sơ tán bên trong Bệnh viện al-Shifa. Ảnh: AFP |
Các tổ chức nhân đạo kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ khẩn cấp các cơ sở y tế trên khắp Gaza, đặc biệt là các bệnh viện trụ cột ở thành phố Gaza và phía bắc vốn không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu hoặc đang trong tầm ngắm không kích. Theo Bộ Y tế Palestine, 20 trong số 35 bệnh viện ở Gaza không còn khả năng hoạt động, hàng chục xe cứu thương bị phá hủy, gần 200 nhân viên y tế thiệt mạng, đặt toàn hệ thống y tế ở dải đất này trước nguy cơ sụp đổ.
Israel nói gì?
Theo AFP, ngày 12-11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết họ đã mất liên lạc với đầu mối ở Bệnh viện al-Shifa ở Dải Gaza, đồng thời bày tỏ lo ngại về sự an toàn của những người mắc kẹt tại đây. Al-Shifa là bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza và là trụ cột của hệ thống y tế tại vùng lãnh thổ bị bao vây này, cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 18.000 người, tính đến ngày 11-11.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tiếp tục kêu gọi các bên lập tức ngừng bắn nhân đạo, cách duy nhất để cứu người và giảm mức độ khủng hoảng. Việc sơ tán y tế cần bền vững, có trật tự, không bị cản trở và an toàn đối với những bệnh nhân bị thương và bệnh nặng, đồng thời tất cả con tin phải được chăm sóc y tế thích hợp và được thả vô điều kiện.
Các bệnh viện ở bắc Gaza đang trở thành điểm nóng cho những câu chuyện đổ lỗi qua lại giữa các bên tham gia xung đột. Israel cho rằng, Hamas đặt tài sản quân sự dưới các bệnh viện và các địa điểm nhạy cảm khác như trường học, nhà thờ Hồi giáo và sử dụng các địa điểm này làm lá chắn. Theo Israel, Hamas điều hành trụ sở chỉ huy bên dưới khu phức hợp Bệnh viện al-Shifa. Quân đội Israel thậm chí công bố bản đồ minh họa về Shifa được đánh dấu bằng các vị trí được cho là có các cơ sở của Hamas dưới lòng đất mà không đưa ra thêm bằng chứng.
Trong khi đó, Hamas, giới chức y tế Gaza và Giám đốc Bệnh viện al-Shifa đều đồng loạt bác bỏ cáo buộc nói trên, đồng thời sẵn sàng để đoàn công tác quốc tế xác nhận. Các bên đối đầu cũng quy trách nhiệm cho nhau trước thông tin người chạy trốn từ bệnh viện bị tấn công. Ông Amos Yadlin, Cựu giám đốc cơ quan tình báo quân đội Israel, nói với Kênh 12 rằng giao tranh ngày càng gay gắt ở Shifa và các bệnh viện khác đang tạo ra tình thế khó xử cho nhà nước Do thái xét về góc độ chiến lược quân sự và vấn đề nhân đạo
Khẩn trương sơ tán
Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cho biết, các bệnh viện có thể mất đi sự bảo vệ nếu các bên tham gia xung đột sử dụng chúng để che giấu lực lượng hoặc cất giữ vũ khí. Tuy nhiên, phải có nhiều cảnh báo trước các cuộc tấn công để cho phép sơ tán an toàn bệnh nhân và nhân viên y tế. Jessica Wolfendale, chuyên gia về đạo đức quân sự tại Đại học Case Western Reserve ở Ohio (Mỹ), cho biết, nếu tổn hại đối với dân thường không tương xứng với mục tiêu quân sự thì cuộc tấn công là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
The Guardian dẫn lời quan chức Bộ Quốc phòng Israel ngày 11-11 khẳng định, lực lượng nước này không nổ súng vào Bệnh viện al-Shifa nhưng có xung đột với Hamas xung quanh cơ sở này; đồng thời cho biết, bất kỳ ai muốn sơ tán vẫn có thể rời đi một cách an toàn về khu vực phía đông của bệnh viện để xuống phía nam Gaza.
Điều đáng lo nữa là bệnh viện đang cạn dần nước, oxy, nhiên liệu, tất cả mọi thứ, nên không còn khả năng duy trì các hệ thống máy móc quan trọng hỗ trợ sự sống. Những em bé sơ sinh, bệnh nhân cần chăm sóc tích cực, thậm chí là người bị thương không thể sống sót nếu thiếu điện. Theo tổ chức các bác sĩ vì nhân quyền Israel, do mất điện khi giao tranh diễn ra ác liệt, phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh ngừng hoạt động khiến 2 trẻ sơ sinh tử vong và đặt tính mạng của 37 trẻ khác trước nguy cơ bị đe dọa. Trong tín hiệu khả quan, ông Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel, cho biết lực lượng này sẽ cung cấp sự hỗ trợ cần thiết giúp sơ tán tổng cộng 45 trẻ em theo đề nghị từ al-Shifa, bắt đầu từ ngày 12-11.
The Guardian dẫn số liệu từ giới chức Palestine cho biết, kể từ khu xung đột Israe - Hamas ở Gaza nổ ra, hơn 11.000 người thiệt mạng, ít nhất 25.000 người bị thương trong khi tình hình nhân đạo ở Gaza ngày càng xấu đi. Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Trung Đông Barbara Leaf lo ngại rằng số người chết thực tế có lẽ cao hơn con số được báo cáo.
Gaza mở lại cửa khẩu Rafah vào Ai Cập cho người nước ngoài Ngày 12-11, Rafah - cửa khẩu duy nhất đi vào Gaza không do Israel kiểm soát vào Ai Cập, mở cửa trở lại trong cho những người mang hộ chiếu nước ngoài. Danh sách những người được phép vào Ai Cập gồm các nhóm từ Canada, Romania, Nga, Brazil và Ba Lan. Trước đó, ngày 10-11, cuộc sơ tán từ Gaza vào Ai Cập đối với công dân nước ngoài và người Palestine cần điều trị y tế khẩn cấp bị đình chỉ do vấn đề đưa người sơ tán y tế từ bên trong Gaza đến Rafah. Tuần qua, Israel tạm dừng tấn công miền Bắc Dải Gaza trong 4 giờ đồng hồ mỗi ngày để tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo cho Gaza. Ngoài ra, Israel mở hành lang sơ tán thứ hai là con đường ven biển nối liền với đường cao tốc Bắc-Nam của Gaza. |
THƯ LÊ