Quốc tế
Thế giới tuần qua: Israel tấn công sâu vào Gaza; Trung Quốc lại giảm phát
Trong tuần qua, các diễn biến xung quanh việc Israel tấn công sâu vào “trái tim” Gaza; Kinh tế Trung Quốc lại rơi vào giảm phát; Động đất khiến 157 người thiệt mạng ở Nepal và cuộc xung đột chưa có lối thoát ở Ukraine là những sự kiện quốc tế nổi bật nhất.
Israel tấn công sâu vào Gaza
Xung đột giữa Israel và phong trào Hamas ở Palestine đã bước sang tháng thứ 2 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Những diễn biến ở Dải Gaza tiếp tục gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt về tình hình của hơn 2 triệu người dân bị mắc kẹt ở đây. Không chỉ gây thương vong lớn cho cả hai bên, đẩy dân thường vào khủng hoảng nhân đạo, cuộc xung đột Hamas - Israel còn làm xáo trộn địa chính trị khu vực, làm chia rẽ các mối quan hệ quốc tế và đẩy Trung Đông đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lan rộng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 10-11 cho biết 20 trong số 36 bệnh viện ở Gaza đã dừng hoạt động, trong đó có một bệnh viện nhi, vì đòn tấn công dữ dội của Israel. Những cơ sở còn lại đang rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Binh sĩ Israel triển khai chiến dịch trên bộ chống lực lượng Hamas ở Dải Gaza ngày 7-11-2023. THX/TTXVN |
Người phát ngôn của cơ quan nhân đạo Liên hợp quốc Jens Laerke phát biểu: “Nếu ngày nay có một địa ngục trần gian thì nó là phía Bắc Gaza”.Tình hình lương thực ở khu vực phía Bắc Gaza đang xấu đi vì các đối tác không thể tiếp cận để hỗ trợ trong 8 ngày qua. Tính đến ngày 9-11, không có cửa hàng bánh mì nào còn mở cửa vì thiếu nhiên liệu, nước và bột mì.
Ngoài ra, các bệnh viện của Gaza đang bị binh sĩ Israel áp sát. Theo văn phòng truyền thông của chính quyền Dải Gaza do lực lượng Hamas kiểm soát, 8 bệnh viện đã bị lực lượng Israel ném bom trong ba ngày. Israel đã cáo buộc các tay súng Hamas ẩn náu trong một số bệnh viện và sử dụng khu phức hợp Bệnh viện Shifa làm trung tâm chỉ huy chính. Do dó, WHO cảnh báo tổ hợp bệnh viện Al Shifa - bệnh viện lớn nhất ở Dải Gaza - có thể trở thành mục tiêu bị ném bom.
Nhà Trắng ngày 9-11 cho biết Israel đã nhất trí tạm dừng hoạt động quân sự 4 tiếng hàng ngày tại phía Bắc Dải Gaza để cho phép người dân ở khu vực này chạy nạn khỏi cuộc chiến giữa Israel với phong trào Hamas. Hơn 2/3 dân số 2,3 triệu người của Gaza đã rời bỏ nhà cửa kể từ khi chiến tranh bắt đầu. Ở miền Nam, họ chen chúc trong những nơi trú ẩn với nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống ngày càng cạn kiệt.
Thành phố Gaza, khu đô thị lớn nhất của vùng lãnh thổ này, đã trở thành trọng tâm tấn công trong chiến dịch tiêu diệt Hamas của Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết họ đã chiếm được các vị trí chủ chốt của Hamas ở thành phố Gaza, tiêu diệt 150 thành viên. Trong khi đó, giao tranh ác liệt vẫn tiếp tục diễn ra trong và xung quanh thành phố Gaza giữa quân đội và các tay súng Palestine.
Thậm chí, theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Euro-Med, Israel đã thả hơn 25.000 tấn chất nổ xuống Dải Gaza từ ngày 7-10, tương đương với sức công phá của hai quả bom hạt nhân. Ảnh chụp và ảnh vệ tinh cho thấy nhiều khu vực ở Gaza đã bị san bằng. Nhiều bệnh viện, trường học, nhà cửa, công trình tôn giáo bị hư hỏng hoặc phá hủy trong các cuộc tấn công trên bộ, trên biển và trên không của Israel. Toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc và nhà máy xử lý nước cũng bị vô hiệu hóa.
IDF tuyên bố đã phá hủy khoảng 130 đường hầm ở Dải Gaza kể từ khi bắt đầu chiến dịch trả đũa. Theo tờ The Times of Israel, Hamas đang vận hành mạng lưới đường hầm rộng lớn ở Gaza để vận chuyển hàng hóa, vũ khí và điều quân. Việc đánh sập mạng lưới đường hầm này là rất quan trọng đối với nỗ lực đối phó với Hamas của Israel, khi lực lượng này đang tiến sâu và mở rộng cuộc tấn công trên bộ.
Người dân Gaza sơ tán về phía Nam tránh xung đột ngày 8-11-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong lúc xung đột tiếp tục leo thang, người dân ở Dải Gaza là những nạn nhân phải trả giá đắt nhất. Theo thống kê tính đến ngày 6-11 của Cơ quan Y tế tại Dải Gaza, số người thiệt mạng tại dải đất này đã lên tới hơn 11.000 người, trong đó trẻ em chiếm trên 40%. Bên phía Israel, số người thiệt mạng cũng khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường, trong khi số phận của hàng trăm người bị bắt cóc vẫn chưa được xác định.
Hàng loạt cuộc tuần hành diễn ra tại Mỹ, châu Âu và nhiều nước nhằm kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, đồng thời thể hiện sự ủng hộ với người Palestine. Cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực phối hợp tìm kiếm một lệnh ngừng bắn nhân đạo khẩn cấp, tăng cường đưa viện trợ vào Gaza.
Ngày 10-11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chính quyền Palestine có thể đóng một vai trò trong việc quản lý Dải Gaza, với điều kiện là có một giải pháp chính trị toàn diện, trong đó tính cả khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ông cho rằng chính quyền Palestine có thể là một phần của giải pháp chính trị toàn diện hơn với tư cách là một Nhà nước Palestine độc lập.
Theo ông Abbas, Gaza là một phần không thể thiếu của Nhà nước Palestine trong tương lai và Palestine sẽ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm cả Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza. Ông Abbas cũng cho rằng cần phải tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để vạch ra các mốc thời gian cụ thể được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Giá cả ở Trung Quốc lại giảm
Người dân mua hàng trong siêu thị ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hãng CNN đưa tin giá tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng 10, khiến nước này rơi vào tình trạng giảm phát, cũng như làm dấy lên lo ngại về sức mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) ngày 9-11 cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm 0,2% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước. Mức giảm này vượt quá dự báo giảm 0,1% theo cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích tại hãng tin Reuters.
Giảm phát đồng nghĩa với việc giá hàng hóa rẻ hơn, nhưng lại gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế nói chung khi người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua hàng với hy vọng giá giảm thêm.
Việc nhu cầu suy yếu có thể buộc các công ty phải cắt giảm hoạt động sản xuất, ngừng tuyển dụng hoặc sa thải công nhân và đưa ra các đợt giảm giá mới để bán hết hàng tồn kho. Những động thái này sẽ làm giảm lợi nhuận ngay cả khi chi phí sản xuất vẫn giữ nguyên.
Theo ngân hàng Goldman Sachs, sự sụt giảm chủ yếu là do giá thực phẩm giảm đã trượt dốc nhiều tháng qua. Đặc biệt, thịt lợn đã giảm 30% so với một năm trước.
Giá thịt lợn đang chịu áp lực do nguồn cung tăng vượt quá cầu. Là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất ở Trung Quốc, thịt lợn có tỷ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng.
Lạm phát lõi thậm chí còn giảm mạnh hơn trong tháng 10, ở mức 0,6%. Các nhà kinh tế cho rằng đó là tin xấu vì phản ánh nhu cầu tiêu dùng thấp.
Trung Quốc rơi vào tình trạng giảm phát trong thời gian ngắn vào tháng 7, với CPI giảm 0,3%. Tuy nhiên, giá tiêu dùng đã phục hồi trong tháng 8. Đất nước này đang phải vật lộn với sự phục hồi kinh tế không đồng đều khi phải đối mặt với một loạt thách thức, bao gồm thị trường bất động sản suy yếu cũng như sự ngần ngại của một số doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc đầu tư hoặc chi tiêu.
Động đất tại Nepal khiến trên 400 người thương vong
Những ngôi nhà bị phá hủy sau động đất tại Jajarkot, Nepal ngày 6-11-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đêm ngày 3-11-2023, một trận động đất có độ lớn 6,4 đã tàn phá khu vực phía Tây Nepal, khiến 157 người thiệt mạng và hơn 250 người bị thương. Rung chấn của trận động đất này có thể cảm nhận được tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nơi cách tâm chấn gần 500km.
Người phát ngôn cơ quan cảnh sát Nepal cho biết Jajarkot và Rukum là 2 huyện của tỉnh Karnali chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận động đất độ lớn 5,6 này, với số người thiệt mạng lần lượt ghi nhận tại 2 địa phương này là 105 người và 52 người. Ngoài ra, cơ quan chức năng cho biết trận động đất khiến hơn 250 người bị thương tại 2 huyện trên.
Trong khi đó, công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do có nhiều tuyến đường dẫn tới khu vực bị nạn đã bị phá hủy trong trận động đất. Đến ngày 5-11, Nepal đã kết thúc hoạt động tìm kiếm để tập trung vào công tác cứu trợ người sống sót, cung cấp thực phẩm và nơi lánh nạn cho những người sống sót.
Đến ngày 6-11, Nepal lại tiếp tục hứng chịu một trận động đất khác có độ lớn 5,2, với tâm chấn cách thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh của Ấn Độ 233 km về phía Bắc, độ sâu chấn tiêu là 35 km. Động đất đã khiến nhiều tòa nhà tại New Delhi và vùng lãnh thổ thủ đô của Ấn Độ rung lắc.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái đất.
Tổng thống Ukraine bác khả năng đàm phán với Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev, ngày 4-11-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo trang Moscow Times, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 4-11 cho biết sẽ không đàm phán với Nga, trừ khi quân đội nước này rút khỏi Ukraine. Ông cũng phủ nhận thông tin cho rằng các quan chức phương Tây đã đề nghị Kiev tổ chức đàm phán hòa bình với Moskva.
Ông cho biết cuộc xung đột đã đạt đến "tình thế khó khăn", nhưng một lần nữa phủ nhận rằng nó đã bế tắc.
“Ở tiền tuyến, đó không phải là bí mật, chúng tôi không có phòng không. Đó là lý do tại sao Nga kiểm soát bầu trời. Nếu họ kiểm soát toàn bộ bầu trời, chúng tôi không thể tiến nhanh về phía trước”, nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Ngày 9-11, ông Zelensky đã ký ban hành thành luật hai dự luật về việc gia hạn 3 tháng tình trạng thiết quân luật và tổng động viên trên cả nước. Tổng thống Zelensky đã công bố tình trạng thiết quân luật lần đầu tiên vào ngày 24-2-2022 sau khi xảy ra cuộc xung đột với Nga. Từ đó đến nay, tình trạng thiết quân luật đã được gia hạn 9 lần.
Trợ lý của tổng thống Nga phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Yury Ushakov ngày 9-11 cho biết Moskva sẵn sàng đàm phán với Kiev, nhưng gần đây không có gợi ý nào từ Ukraine về các liên hệ với Nga.
Ông Ushakov nhấn mạnh rằng cho đến nay thậm chí không có bất kỳ dấu hiệu nào về các mối liên hệ mới với Nga, nhưng Moskva luôn sẵn sàng đối thoại.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva, không như Kiev, chưa bao giờ từ chối đàm phán. Để bắt đầu đối thoại, ông Putin đề xuất hủy bỏ sắc lệnh của Tổng thống Volodimir Zelensky cấm đàm phán với Nga.
Chiến tuyến trải dài giữa hai bên hầu như không thay đổi trong gần một năm qua, mặc dù Ukraine đã phát động một cuộc phản công vào tháng 6 để giành lại các phần lãnh thổ.
Tổng thống Zelensky thường xuyên gặp gỡ các nhà lãnh đạo phương Tây trong nỗ lực đảm bảo nguồn cung cấp vũ khí phòng không, cũng như duy trì sự chú ý của họ về cuộc xung đột hiện đã kéo dài hơn 600 ngày này.
Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg mới đây nhận định, cuộc chiến của Ukraine chống lại Nga có thể kéo dài hơn dự kiến. Xung đột tập trung ở miền Nam và Đông Ukraine, nơi Nga đã chuẩn bị các tuyến phòng thủ trong nhiều tháng trước cuộc phản công của Kiev trong năm nay.
Theo baotintuc.vn