Quốc tế

Indonesia và dấu mốc chuyển dịch năng lượng

08:12, 11/11/2023 (GMT+7)

Indonesia đã khởi công dự án xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi Cirata có công suất 192 megawatt trên hồ chứa nước ở tỉnh Tây Java.

Hình ảnh mô tả dự án nhà máy điện nổi Cirata ở tỉnh Tây Java (Indonesia) khởi công ngày 9-11. Ảnh: AFP
Hình ảnh mô tả dự án nhà máy điện nổi Cirata ở tỉnh Tây Java (Indonesia) khởi công ngày 9-11. Ảnh: AFP

“Đây là ngày lịch sử bởi giấc mơ lớn của chúng tôi về xây dựng dự án điện tái tạo quy mô lớn cuối cùng đã thành hiện thực”, Tổng thống Joko Widodo  (Jokowi) nói. Với dự án điện mặt trời nổi được cho là lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ ba thế giới này, dự án Cirata đánh dấu cột mốc lớn trong quá trình phát triển hạ tầng năng lượng tái tạo của xứ sở vạn đảo.

Phát huy thế mạnh

Theo Reuters, dự án trị giá hơn 108 triệu USD cách thủ đô Jakarta khoảng 100km về phía tây được triển khai với sự hợp tác của các bên gồm công ty điện lực PLN Nusantara Power (đơn vị thuộc tập đoàn điện lực nhà nước Perusahaan Listrik Negara (PLN) của Indonesia) và công ty năng lượng tái tạo Masdar (thuộc Công ty đầu tư Mubadala) của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Theo kế hoạch, dự án sẽ mất khoảng 3 năm để hoàn thành và khi đi vào hoạt động, ước tính có thể tạo nguồn điện đủ dùng cho khoảng 50.000 hộ gia đình.

Đây mới chỉ là một phần trong kế hoạch tận dụng lợi thế từ các hồ chứa nước để sản xuất điện tái tạo của Indonesia. Theo Bloomberg, cùng với Cirata, Tập đoàn Sunseap (Singapore) đề xuất dự án xây dựng nhà quang điện nổi công suất 2,2 gigawatt trên đảo Batam gần Singapore, trong khi công ty Reposttren có trụ sở tại Singapore cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy điện nổi công suất 2 gigawatt ở tỉnh Tây Java. “Dự án này sẽ mở rộng lên công suất tối đa khoảng 500 MW và chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nguồn năng lượng tái tạo được phát triển tại Indonesia”, ông Jokowi nói với báo giới trong lễ khởi công “sự kiện lịch sử” này. 

Tăng tốc quá trình chuyển dịch năng lượng là ưu tiên lớn của ông Jokowi thời gian qua khi Indonesia đặt mục tiêu trung hòa carbon (net zero) vào năm 2060. Indonesia cũng đang nỗ lực đạt mục tiêu này sớm hơn 10 năm (năm 2050) để có thể nhận được khoản tài trợ 20 tỷ USD từ sáng kiến Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP).

Quốc gia này có khoảng 248 hồ chứa nước lớn có thể dùng để xây dựng các nhà máy điện mặt trời nổi, và theo ước tính của Chính phủ, chúng có thể tạo ra tổng công suất 262 gigawatt điện sạch. Các công trình như nhà máy điện mặt trời nổi Cirata sẽ giúp Indonesia tăng tỷ lệ năng lượng mới và tái tạo trong cơ cấu năng lượng quốc gia lên mức 23% vào năm 2025. Theo Tổng thống Jokowi, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực năng lượng mới và tái tạo đang “xếp hàng dài” để vào Indonesia.

Xu thế của nhiều nước

Theo Bloomberg Businessweek, các nhà máy điện mặt trời nổi đang ngày càng trở thành giải pháp năng lượng sạch phổ biến với những quốc gia vốn hạn chế về quỹ đất, hay ở những nơi mà việc phát triển các dự án điện sạch trên bờ đối mặt nhiều thách thức, thậm chí là phản đối. Tổ chức nghiên cứu chiến lược BloomberNEF cho biết, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc là những nước đang dẫn đầu trong xu thế này.

Theo dữ liệu của BloomberNEF, mặc dù công suất ban đầu của nhà máy Cirata hiện lớn hơn các dự án điện mặt trời hiện đang vận hành ở Đông Nam Á, nhưng Bloomberg cũng lưu ý rằng hiện có các nhà máy điện mặt trời nổi với công suất lớn hơn của Cirata đang trong quá trình xây dựng tại các nước Đông Nam Á khác là Malaysia và Việt Nam. Và dự án của Indonesia cũng nhỏ hơn các nhà máy điện mặt trời nổi đã có ở những nơi khác, trong đó có nhà máy tại tỉnh An Huy (Trung Quốc).

Nỗ lực chuyển dịch năng lượng
Cùng với điện sạch, Indonesia cũng đang nỗ lực định vị mình như quốc gia chủ chốt trong thị trường xe điện khi là quốc gia đứng thứ ba thế giới về lượng sản xuất nickel, vật liệu thiết yếu để sản xuất pin lithium-ion cho xe điện. Tuy nhiên việc sản xuất vật liệu này cũng đòi hỏi nguồn năng lượng lớn mà hiện chủ yếu Indonesia vẫn dựa vào than đá. Bởi vậy, với nhiều nhà hoạt động môi trường như ông Didit Haryo Wicaksono, họ hy vọng các dự án điện nổi như Cirata sẽ góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề năng lượng sạch. “Việc xây dựng thêm các nhà máy điện mặt trời nổi bằng cách tận dùng những vùng đất trống hay các hồ chứa nước sẽ là động lực chính cho quá trình chuyển dịch năng lượng tại Indonesia”, ông Wicaksono nói với AFP.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.