Quốc tế
Ông Putin bất ngờ thăm hai nước vùng Vịnh
Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đến hai quốc gia vùng Vịnh là Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia. UAE là trung tâm quốc tế chính cho hoạt động thương mại của Nga và là lộ trình quan trọng giúp nước này vượt qua “bão trừng phạt” của phương Tây còn Saudi Arabia là đối tác chính của Nga trong nhóm OPEC+.
Tổng thống Nga Putin (bên trái) được các quan chức UAE đón tiếp tại sân bay Abu Dhabi vào ngày 6-12. Ảnh: Sputnik |
Ngày 4-12, tài khoản Shot trên mạng xã hội Telegram của Nga là nơi đầu tiên phát đi thông tin về chuyến công du và sau đó Điện Kremlin xác nhận vào ngày 5-12. Theo lịch trình, ngày 6-12 (giờ địa phương) ông Putin sẽ tới UAE và tiếp đó là Saudi Arabia. Ông Putin có mối quan hệ thân thiết với cả hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ ở vùng Vịnh, và cho tới nay cả hai nước vẫn giữ quan điểm trung lập về xung đột tại Ukraine. Ông Mohammed bin Salman, Thái tử Saudi, và Sheikh Mohammed bin Zayed al-Nahyan, lãnh đạo UAE, đều gây dựng mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Putin. Hai nhà lãnh đạo vùng Vịnh vẫn tự hào tuyên bố họ giống như các nhà đàm phán trung gian giữa Nga và phương Tây.
Nhấn mạnh lợi ích chung
Đây là chuyến thăm UAE và Saudi Arabia đầu tiên của ông Putin từ tháng 10-2019. Truyền thông quốc tế đặc biệt quan tâm tới chuyến công du tuần này của ông Putin bởi đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới các nước khác ngoài Iran, Trung Quốc và các nước thuộc Liên bang Xô Viết trước đây kể từ sau khi xung đột với Ukraine bùng nổ.
Theo người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitri S. Peskov, tại Saudi Arabia và UAE, ông Putin sẽ thảo luận tình hình xung đột tại Dải Gaza, cũng như giải pháp phối hợp cần thiết và khả thi giữa Nga với hai nước này trong việc khai thác dầu thô nhằm ổn định giá dầu trên thị trường thế giới. Bất kể những tuyên bố cắt giảm thêm sản lượng của OPEC+ gần đây, giá dầu vẫn đang chững lại, thậm chí giảm.
Mô tả chuyến công du tuần này của ông Putin là “một sự kiện tập trung”, ông Yuri Ushakov, trợ lý phụ trách chính sách đối ngoại của tổng thống Nga cho biết, vấn đề xung đột tại Ukraine cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của ông Putin. Cho tới nay, Saudi Arabia đã nỗ lực đảm nhiệm vai trò một bên trung gian thúc đẩy đàm phán hòa bình cho xung đột Nga - Ukraine. Riyadh đã mời khoảng 40 quốc gia tham dự một hội nghị hòa bình vào tháng 8-2023, và cũng đã hỗ trợ tiến hành trao đổi tù binh thành công hồi năm ngoái, trong đó có cả các công dân của Mỹ và Anh, với vai trò trung gian của Thái tử Mohammed bin Salman.
Đã có những đồn đoán trong dư luận ở Nga về khả năng có thể có đàm phán hòa bình tại Ukraine trong bối cảnh tâm lý mệt mỏi về chiến sự tại Ukraine đã lan rộng ở nhiều nước phương Tây, trong đó có Mỹ. Trích dẫn nguồn tin cấp cao giấu tên của Nga, nhật báo Izvestia ngày 5-12 cho biết, Nga sẽ không phản đối việc tiến hành đàm phán với Ukraine tại một quốc gia châu Âu, chẳng hạn Hungary. Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo kinh doanh RBC, ông Grigory Yavlinsky, chính trị gia kỳ cựu của Nga và cũng từng gặp ông Putin hồi tháng 10-2023, cho biết, ông đã được đề nghị làm trung gian trong những cuộc đàm phán như vậy.
Chuyến công du rất được quan tâm
Thực tế, Tổng thống Putin có hạn chế số chuyến công du nước ngoài hơn kể từ sau xung đột Nga - Ukraine xảy ra song ông không hề bị cô lập về mặt trận ngoại giao như phương Tây từng nhận định. Chuyến công du của ông Putin tới Saudi Arabia và UAE tuần này, cùng với cuộc đón tiếp Tổng thống Iran President Ebrahim Raisi tại Moscow vào ngày 7-12 đã chứng minh thực tế này. Rõ ràng, Nga vẫn đang duy trì mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực theo ý muốn.
Giới quan sát cũng tin rằng, ở chuyến đi tuần này, ông Putin sẽ thuyết phục các đối tác lớn của Nga tại Trung Đông rằng, nếu so với Mỹ, lập trường của Nga sẽ đồng thuận và phù hợp hơn với Saudi Arabia và UAE trong một số vấn đề chính như giá dầu, tình hình xung đột ở Gaza hay ở Ukraine. Cùng với đó, chuyến công du của ông Putin chắc chắc cũng sẽ làm gia tăng những quan ngại của Mỹ về khả năng Nga có thể thay thế họ để trở thành đối tác chủ chốt của các cường quốc trong khu vực.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, chuyến thăm lần này cho thấy mối quan hệ giữa các nước vùng Vịnh với Mỹ đã giảm độ nồng ấm. Việc đón tiếp ông Putin trong bối cảnh hiện nay được một số chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận như động thái mang tính biểu tượng của Saudi Arabia và UAE khi truyền đi thông điệp tương tự với những gì mà các nước lớn ở Trung Đông này đã gửi đến Mỹ trong nhiều năm qua rằng họ muốn mở rộng quan hệ ngoại giao nhiều nhất có thể để tối đa hóa các lợi ích của mình trong bối cảnh trật tự thế giới đã và đang có những biến động lớn.
Chuyến công du của ông Putin diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực thuyết phục phương Tây tiếp tục hỗ trợ nguồn lực tài chính cho họ. Theo New York Times, vào phút chót, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hủy kế hoạch phát biểu trước Thượng viện Mỹ tối 5-12 (giờ Mỹ) nhằm kêu gọi Washington tiếp tục hỗ trợ Kiev về tài chính và quân sự trong xung đột với Nga. |
TRẦN ĐẮC LUÂN