Quốc tế
Phương Tây tăng sức ép lên năng lượng Nga
Đi cùng xung đột với Ukriane thì Nga đang chịu sức ép của phương Tây, nhất là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với hơn 12.000 lệnh trừng phạt khác nhau, trong đó năng lượng là mục tiêu chủ chốt. Hiện, doanh số bán năng lượng chiếm 57% tổng doanh thu xuất khẩu của Nga và 27% tổng GDP trong năm ngoái. EU đã nhanh chóng thúc đẩy kế hoạch giảm, từng bước “cai nghiện” hoặc hạn chế đến mức tối đa nhập khẩu năng lượng Nga theo mức giá mà Nhóm các nền kinh tế phát triển (G7) ấn định.
Xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU hiện giảm còn khoảng 1/3 so với mức trước xung đột. Theo Eurostat, trong quý 3-2021, 39% lượng khí đốt của EU đến từ Nga nhưng đã giảm xuống còn 12% hai năm sau đó. Sự sụt giảm này một phần do trong năm 2022 Nga cắt nguồn cung cho một số khách hàng châu Âu mà nước này coi là “không thân thiện” và không đáp ứng yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble do Tổng thống Vladimir Putin đặt ra.
Bên cạnh đó, Mỹ và EU tìm mọi cách ngăn chặn lượng dầu khí Nga cung cấp cho các nước khác. Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ mới đây áp đặt lệnh trừng phạt đối với doanh nghiệp khí đốt của Nga, đồng thời cấm các nước thứ ba ở châu Á và châu Âu mua LNG do nhà máy này sản xuất khi bắt đầu hoạt động vào năm 2024. Bloomberg trích dẫn dữ liệu của Kpler cho thấy, do các lệnh trừng phạt và vấn đề thanh toán, xuất khẩu dầu của Nga ở Ấn Độ sụt giảm trong tháng 12-2023 khi các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ không nhận thùng dầu thô Sokol nào trong tháng đó.
Trong khi đó, những nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc, nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đến nay vẫn chưa như mong muốn khi đàm phán kéo dài nhằm tăng hơn gấp đôi doanh số bán khí đốt hiện tại cho nước này thông qua đường ống Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) được đề xuất vẫn chưa đạt kết quả. Ngoài ra, dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 ở Bắc Cực của Nga, được kiểm soát bởi Novatek (nhà sản xuất LNG lớn nhất của Nga), nhiều khả năng không đúng tiến độ do nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ và EU.
Tất cả yếu tố đó là cuộc chiến vô cùng khắc nghiệt mà Mỹ và EU nhằm vào Nga để ngăn đứng nguồn thu mang tính sống còn của nền kinh tế nước này. Tuy nhiên, vấn đề năng lượng đang là nhân tố “cốt lõi” không thể thiểu để cho tất cả các nền kinh tế vận hành. Việc loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi phương trình năng lượng sẽ khó đạt hơn nhiều trong một EU đang bị chia rẽ, nơi mà các quốc gia không chỉ có nhu cầu năng lượng rất khác nhau mà còn có quan hệ rất khác nhau với Nga.
Ông Lausberg của Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) lưu ý, một số quốc gia “đã tách biệt đáng kể khỏi Nga về mặt năng lượng”, những nước khác vẫn phụ thuộc vào khí đốt Nga và chưa sẵn sàng từ bỏ điều đó vì cả lý do kinh tế và chính trị.
Trong khi đó, Nga cũng không chịu bó tay trước hàng loạt biện pháp cấm vận đó mà đã sử dụng nhiều giải pháp linh hoạt, nhanh chóng chuyển đổi dòng chảy năng lượng từ EU sang các quốc gia ở khu vực châu Á, châu Phi... Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, gần như toàn bộ sản lượng dầu xuất khẩu của Nga đã chuyển hướng từ châu Âu sang Trung Quốc và Ấn Độ. Trước đây, Nga gần như không bán dầu sang Ấn Độ, thì sau 2 năm, nguồn cung sang nước này đã lên đến hơn 40%.
Trong bối cảnh, tuyến năng lượng quá cảnh đi qua Ukraine bị ảnh hưởng, Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 bị “đóng băng”..., Nga đã hợp tác đầu tư với Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Mông Cổ để xây dựng các tuyến đường ống mới cung cấp dầu khí lâu dài, ổn định. Trong đó, đáng chú ý là dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Arctic LNG 2 ở Bắc Cực của Nga có sự tham gia của Trung Quốc và một số nước khác.
Tổng thống Putin nhiều lần khẳng định, chính sách bao vây cấm vận nhằm vào nước này là “con dao hai lưỡi”, có hại cho Mỹ và EU hơn là gây bất lợi cho Nga. Theo ông, Nga vẫn còn nhiều hướng đi cho dòng chảy năng lượng, vốn dồi dào, giá rẻ và sẵn sàng đáp ứng cho các khách hàng mà không kèm theo các điều kiện ràng buộc mà phương Tây hay sử dụng trong các quan hệ quốc tế.
LÊ MINH HÙNG