Quốc tế
Làn sóng chỉ trích ý tưởng điều quân NATO đến Ukraine
Ngay sau phát ngôn gây sốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề cập khả năng có thể điều động binh sĩ của NATO tới Ukraine, giới lãnh đạo EU và NATO mau chóng bày tỏ quan điểm không ủng hộ ý tưởng chẳng khác gì “đổ thêm dầu vào lửa” này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh về vấn đề Ukraine vào ngày 26-2. Ảnh: Reuters |
Thực tế, Tổng thống Macron cũng đã đối mặt với những chỉ trích của lãnh đạo các nước là đối tác của Pháp trong Liên minh châu Âu (EU) và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cả lời cảnh báo nghiêm khắc từ Nga sau phát biểu đó.
Hàng loạt nước phản đối
Sau cuộc họp cấp cao tại Paris với các nước đối tác chủ yếu của châu Âu để thảo luận bước hành động khẩn cấp giúp Ukraine trong bối cảnh Nga đạt bước tiến đáng kể gần đây, Tổng thống Macron cho biết, không loại trừ khả năng gửi binh sĩ tới Ukraine. Ông Macron nói hiện tại ông chưa nhận được sự đồng thuận nào cho kế hoạch đó, nhưng ông nhấn mạnh sẽ không loại trừ điều gì để có thể đạt mục tiêu duy trì an ninh tại châu Âu.
Theo AP, ngay sau phát ngôn gây sốc của ông Macron, các đồng minh của Pháp lập tức lên tiếng bày tỏ quan điểm họ hoàn toàn không có ý định gửi quân tới Ukraine. Nói cách khác, họ thẳng thừng bác bỏ ý định mà tổng thống Pháp khởi xướng. Trong khi đó, Nga cảnh báo sự xuất hiện của binh sĩ NATO tại Ukraine sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài một cách không cần thiết và cũng không làm thay đổi kết quả cuối cùng.
Ngày 27-2, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói: “Tổng thống Joe Biden đã bày tỏ rõ ràng là Mỹ sẽ không gửi quân tới Ukraine”. Đồng quan điểm này, NATO cũng phát thông báo của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này “không có kế hoạch gì với các binh sĩ chiến đấu của NATO” tại Ukraine. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng bác bỏ ý tưởng điều quân và văn phòng thủ tướng Anh cũng phản hồi tương tự.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngay lập tức lên tiếng phản đối phát biểu của ông Macron. Ông Ulf Kristersson thậm chí còn tỏ ra khó chịu khi mà đề xuất đó được nêu ra vào đúng ngày mà trở ngại cuối cùng để nước này gia nhập NATO được dỡ bỏ. Ông cho rằng, ông Macron có thể thảo luận việc nước Pháp có gửi quân tới Ukraine hay không chứ không phải là NATO. “Nếu một nước nào đó gửi quân tới một nơi nào khác trên thế giới thì điều đó không ảnh hưởng tới NATO”, ông Ulf Kristersson nói. Thủ tướng Đức Olaf Scholz còn có chút châm biếm khi bảo rằng có thỏa thuận trong hội nghị bàn về vấn đề Ukraine tại Paris, “đó là sẽ không có bộ binh, không có quân nhân nào trên đất Ukraine” do các nước EU hay các nước NATO gửi tới.
Thanh minh
Những phát biểu có thể gọi là khinh suất của ông Macron cũng hứng chỉ trích từ các chính trị gia đảng đối lập trong nước. Lãnh đạo đảng Xã hội Olivier Faure nói phát ngôn của ông Macron “hoàn toàn phản tác dụng” và chỉ làm chia rẽ EU. Còn bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia, cho rằng ông Macron đã “gây ra một nguy cơ hiện hữu với 70 triệu người dân Pháp”.
Đối mặt với làn sóng chỉ trích và phản đối cả trong lẫn ngoài nước, Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné cố tìm cách “nói lại cho rõ” trước Quốc hội về những phát biểu của ông Macron. Ông Stéphane Séjourné giải thích: “Chúng ta phải cân nhắc những hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những hành động này phải đáp ứng các nhu cầu rất cụ thể, tôi đang nghĩ tới việc dọn dẹp bãi mìn, hoạt động của mạng internet, việc sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine. Một vài trong số các hành động này có thể đòi hỏi sự hiện diện trên lãnh thổ Ukraine, mà không phải bước qua lằn ranh của tham chiến”.
Những ồn ào xoay quanh phát ngôn gây tranh cãi của ông Macron đã khiến dư luận giảm bớt sự chú ý tới thành quả đạt được tại hội nghị về Ukraine tại Paris. Đó là việc các nước châu Âu sẽ mua đạn dược từ nước thứ ba như giải pháp tạm thời để đáp ứng sự thiếu hụt báo động về đạn pháo của Ukraine. Tuy nhiên còn một vấn đề cơ bản khác, đó là các nhà lãnh đạo châu Âu cũng nhận ra họ đã không thể thúc đẩy việc sản xuất vũ khí nhanh như mong muốn tại “lục địa già”.
Cảnh báo từ Nga Nếu NATO thực sự điều quân tới Ukraine, đó sẽ là một “viễn cảnh thảm họa” và có thể hiểu đó là “lời tuyên chiến” với Nga, đài Russia Today dẫn cảnh báo của Thượng nghị sĩ Konstantin Kosachev, Phó Chủ tịch Thượng viện Nga (tức Hội đồng liên bang), đưa ra trên tài khoản Telegram ngày 27-2. “Đây là lằn ranh mà vượt qua nó có nghĩa không còn chỉ là sự can dự của NATO vào cuộc chiến - điều này cũng đã xảy ra lâu rồi - mà còn được hiểu là liên minh đó đã bước vào những xung đột trực tiếp, hoặc thậm chí như một sự tuyên chiến”, ông Konstantin Kosachev nói. |
TRẦN ĐẮC LUÂN