Quốc tế

Nước Mỹ trở lại Mặt trăng sau hơn 50 năm

08:28, 24/02/2024 (GMT+7)

Một công ty tư nhân có trụ sở tại Houston (Mỹ) vừa thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử: đưa tàu đổ bộ đáp thành công xuống Mặt trăng. Sự kiện được dư luận đặc biệt quan tâm bởi đã hơn 50 năm kể từ ngày nước Mỹ đưa người lên Mặt trăng, nay mới lại có lần trở lại thứ hai của họ.

Tàu đổ bộ Odysseus được phóng lên bằng tên lửa Falcon 9 từ bãi phóng của Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại mũi Canaveral, Florida, Mỹ sáng 15-2. Ảnh: AFP
Tàu đổ bộ Odysseus được phóng lên bằng tên lửa Falcon 9 từ bãi phóng của Trung tâm vũ trụ Kennedy của NASA tại mũi Canaveral, Florida, Mỹ sáng 15-2. Ảnh: AFP

Dù có những trục trặc trong liên lạc ban đầu với tàu đổ bộ Odysseus (hay Nova-C) vừa đáp xuống Mặt trăng, song Công ty Intuitive Machines, đơn vị chế tạo và vận hành con tàu này, khẳng định nó hạ cánh thành công xuống bề mặt “chị Hằng” vào ngày 22-2 (giờ địa phương). Theo Reuters, tối cùng ngày, Công ty Intuitive Machines cập nhật trên tài khoản X, cho biết, nhóm vận hành tàu đổ bộ khẳng định Odysseus đã ở vị trí thẳng đứng và bắt đầu truyền dữ liệu về.

Cột mốc lịch sử

Không khí căng thẳng gia tăng tại trung tâm chỉ huy của Công ty Intuitive Machines tại Houston khi nhóm điều khiển tàu đổ bộ chờ đợi những tín hiệu đầu tiên gửi về từ khoảng cách 400.000km trong không gian. Phải tới gần 15 phút sau khi Odysseus đáp xuống Mặt trăng, họ mới nhận tín hiệu và chúng có vẻ yếu. “Chúng tôi đang xem có thể tinh chỉnh tín hiệu đó như thế nào. Song, chúng tôi có thể khẳng định, không nghi ngờ gì, là thiết bị của chúng tôi đang ở trên bề mặt Mặt trăng”, ông Tim Crain, Giám đốc phụ trách sứ mệnh, cho biết.

Theo ông Thomas Zurbuchen, cựu khoa học trưởng của NASA, tình trạng tín hiệu truyền về yếu cho thấy có thể tàu đổ bộ đã đáp xuống ở cạnh vách tường của miệng hố hay một cái gì đó đã chặn hoặc cản bớt hoạt động của ăng-ten. “Đôi khi đó có thể chỉ là một tảng đá, một phiến đá lớn”, ông nói với Reuters; đồng thời cho biết vấn đề như vậy có thể làm phức tạp thêm hoạt động của tàu cũng như khả năng hoàn thành mục tiêu khoa học được kỳ vọng. Theo đó, việc hạ cánh an toàn đã là rất đáng kể nhưng mục tiêu của sứ mệnh là làm khoa học, và gửi về các hình ảnh.

Tàu đổ bộ Odysseus đã rời khỏi quỹ đạo gần sát Mặt trăng rồi di chuyển về phía bề mặt Mặt trăng. Mục tiêu của Công ty Intuitive Machines là đưa tàu đổ bộ của họ đáp xuống vị trí cách cực nam của Mặt trăng khoảng 186 dặm (300km), ở vĩ độ 80 và gần cực nam hơn bất cứ tàu vũ trụ nào từng đến đó trước nay. Khu vực này tương đối bằng phẳng nhưng bao quanh là các vách đá, đồi, các miệng hố lớn có thể chứa nước lạnh. Tàu Odysseus được lập trình để tìm kiếm và lựa chọn theo thời gian thực vị trí an toàn nhất làm bãi đáp ở gần miệng hố Malapert A. Con tàu đổ bộ hoạt động bằng năng lượng mặt trời này dự kiến sẽ hoạt động trong một tuần.

Rõ ràng Odysseus vừa xác lập sự kiện lịch sử khi trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ trở lại Mặt trăng kể từ năm 1972, khi hai nhà du hành vũ trụ Gene Cernan và Harrison Schmitt để lại những dấu chân trên lớp bụi xám của bề mặt Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo 17. Đáng kể hơn khi đây là thành tựu của một công ty tư nhân.

Cuộc đua tới Mặt trăng

Được phóng đi từ tuần trước (15-2) bằng tên lửa hai tầng Falcon 9 của Công ty SpaceX, con tàu đổ bộ làm bằng sợi carbon và titanium có 6 chân của Intuitive Machines đã nhắm tới bãi đáp là miệng hố Malapert A ở gần cực nam Mặt trăng. Tàu Odysseus chở theo nó các thiết bị khoa học của NASA và của một số khách hàng thương mại khác.

Theo TIME, riêng NASA đã đầu tư cho Intuitive Machines 118 triệu USD để chế tạo và vận hành tàu Odysseus. Các thiết bị của NASA trên tàu đổ bộ Odysseus chủ yếu là để thu thập dữ liệu về các tương tác thời tiết trong không gian với bề mặt Mặt trăng, thiên văn vô tuyến và các phương diện khác của môi trường trên Mặt trăng, từ đó giúp chuẩn bị tốt hơn cho các sứ mệnh đổ bộ tương lai cũng như kế hoạch đưa người trở lại Mặt trăng của NASA trong vài năm tới.

Sự tham gia của Công ty Intuitive Machines lần này là nỗ lực mới nhất trong tham vọng khám phá Mặt trăng (và tiến tới là khai thác những nguồn lợi từ nó) của các nước cũng như các công ty tư nhân trong những năm qua. Tháng trước, Nhật Bản trở thành quốc gia thứ năm trên thế giới đổ bộ thành công xuống Mặt trăng, sau Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Dù vậy cho tới nay Mỹ vẫn là quốc gia duy nhất có thể đưa người lên Mặt trăng. Các nhà khoa học Mỹ đang nỗ lực trong cuộc đua đưa các phi hành gia trở lại Mặt trăng trước khi Trung Quốc có thể đưa tàu không gian mang theo người của họ tới đó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.