Quốc tế

Nga bác cáo buộc của Mỹ về vũ khí hạt nhân trong không gian

08:21, 22/02/2024 (GMT+7)

Những ngày qua, dư luận quốc tế xôn xao với các thông tin cáo buộc đơn phương từ Mỹ cho rằng Nga đang bí mật triển khai vũ khí hạt nhân trong vũ trụ. Tuy nhiên, ngày 20-2, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin lên tiếng bác bỏ chuyện này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga vẫn luôn quyết liệt phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga vẫn luôn quyết liệt phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân trong không gian. Ảnh: AFP

“Chúng tôi luôn kiên quyết phản đối việc triển khai các loại vũ khí hạt nhân trong vũ trụ. Những gì chúng tôi đang làm trong không gian chỉ là những gì các nước khác đã làm, trong đó có Mỹ”, Bloomberg dẫn phát biểu gần đây của ông Putin nói trong cuộc họp phát sóng trên truyền hình với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Đơn phương cáo buộc của Mỹ

Dù tung ra những cáo buộc gây chấn động dư luận, song trong phát biểu trước báo giới tuần trước, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, ông John Kirby, cũng không nói rõ hệ thống bị cáo buộc của Nga đó là hệ thống được thiết kế để sử dụng vũ khí hạt nhân hay hoạt động bằng năng lượng hạt nhân. Người ta cũng chưa biết loại vũ khí mới này đã tồn tại hay chưa. Ông Kirby chỉ nói ông có thể khẳng định nó liên quan tới năng lực chống vệ tinh mà Nga đang phát triển; đồng thời cho biết, hiện không có nguy cơ trực tiếp nào đối với sự an toàn của bất cứ ai từ hệ thống đó.

Những cáo buộc của Mỹ cho rằng Nga đang phát triển một loại vũ khí hạt nhân trong vũ trụ làm dấy lại những lo sợ về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong không gian từng nảy sinh từ thời Chiến tranh lạnh và giai đoạn khởi đầu của Thời đại không gian (Space Age). Theo Washington Post, thời Chiến tranh lạnh, Mỹ từng tính toán phát triển các loại vũ khí chống vệ tinh có trang bị hạt nhân.

Thời đại Không gian thường được xem là được bắt đầu với sự kiện Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới mang tên Sputnik vào ngày 4-10-1957. Sự kiện đó đã mở ra cuộc chạy đua thăm dò, khám phá không gian, phát triển công nghệ vũ trụ của thế giới, dẫn đến thành tựu sau đó của Mỹ đạt được năm 1969 khi đưa người lên Mặt trăng thành công.

Dù vậy, vũ trụ hôm nay đã không còn giống như vũ trụ của năm 1957 nữa. Giờ đây có hàng ngàn vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo, tạo dòng chảy dữ liệu không ngừng nghỉ của nhiều hệ thống, từ các tín hiệu GPS trên điện thoại thông minh cho tới việc truyền tải hình ảnh trên TV. Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), vốn do các cơ quan không gian của Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật và Canada cùng hợp tác vận hành, cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu xảy ra một vụ nổ hạt nhân trong vũ trụ. Bởi thế, nếu một xung đột xảy ra trong không gian có ảnh hưởng tới các vệ tinh đó, nó sẽ gây ra một loạt những hệ lụy phức tạp khôn lường, không chỉ với quân đội của các nước trên thế giới, mà còn với đời sống dân sinh trên toàn cầu. 

Giới chuyên gia lo ngại

Trong nhận định của giới chuyên gia, việc triển khai một loại vũ khí hạt nhân, dù của bất cứ nước nào, trong không gian cũng là bước leo thang rất đáng lo ngại, thậm chí có thể ví như “sự kiện đánh dấu việc vượt qua lằn ranh hạt nhân” như bình luận của nhà nghiên cứu về chính sách hạt nhân Ankit Panda tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế. “Đó sẽ là tổn hại không thể khắc phục với môi trường quỹ đạo thấp của Trái đất. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một loạt va chạm của các vệ tinh không còn hoạt động, việc sẽ khiến những dải lớn của quỹ đạo thấp Trái đất sẽ không thể sử dụng với toàn bộ nhân loại”, ông Ankit Panda lý giải.

Việc triển khai lắp đặt vũ khí hạt nhân trong không gian cũng sẽ vi phạm Hiệp ước Thượng tầng không gian (Outer Space Treaty) năm 1967. Ông Brian Weeden, Giám đốc phụ trách kế hoạch chương trình tại tổ chức nghiên cứu Secure World Foundation, nhắc lại: “Điều luật bất khả vi phạm và sự đồng thuận đã đạt được trong luật không gian quốc tế là: không đặt các vũ khí hạt nhân trong quỹ đạo, trên Mặt trăng hay trên các thiên thể”.

Chính vì những nguy cơ hậu quả vô cùng lớn của các vụ nổ hạt nhân trong không gian mà chuyên gia nghiên cứu cao cấp Todd Harrison tại Viện doanh nhân Mỹ cho rằng, cả thế giới sẽ chống lại mọi động thái có thể dẫn tới nguy cơ này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.