Tại sao Pháp cứng rắn hơn về xung đột ở Ukraine?
13:56, 18/03/2024 (GMT+7)
Ngày 16-3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục khẳng định sẽ không loại trừ khả năng phương Tây có thể tiến hành chiến dịch trên bộ ở Ukraine vào một thời điểm nào đó. Với động thái này, ngoài ý đồ muốn tạo ra “sự mơ hồ chiến lược” với Nga, nhà lãnh đạo Pháp còn muốn khẳng định vai trò lãnh đạo dẫn dắt châu Âu.
Theo TASS, trả lời trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien, Tổng thống Pháp Macron một lần nữa khẳng định: “Có thể đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải tiến hành các hoạt động trên bộ để ứng phó với lực lượng Nga dù tôi không muốn chuyện này xảy ra và cũng sẽ không chủ động làm vậy. Sức mạnh của Pháp nằm ở khả năng của chúng tôi có thể làm điều đó”. Ngày 15-3, trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở Berlin, ông Macron khẳng định hỗ trợ Ukraine đến cùng là lợi ích và an ninh của châu Âu. Tại sao nhà lãnh đạo Pháp lại chuyển sang quan điểm cứng rắn về xung đột Nga - Ukraine như vậy?
Cạnh tranh ảnh hưởng với Đức
Theo tờ Telegraph, Tổng thống Pháp muốn tạo sự nổi bật mang tính đột phá, tham gia vào cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo giữa Pháp và Đức trong hoạch định chính sách then chốt của EU. Tháng 2-2024, khi Thủ tướng Đức Scholz có bài phát biểu kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường cung cấp cho Ukraine những vũ khí quan trọng, điều này đã khiến Pháp tức giận.
Tổng thống Macron đáp lại rằng Pháp đã viện trợ tên lửa tầm xa cho Kiev và kêu gọi Berlin làm theo với tên lửa Taurus. Thủ tướng Đức, người không đồng tình với việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, đã nhiều lần từ chối vì sợ leo thang xung đột. Ngoài ra, không giống như Pháp, không có vũ khí hạt nhân, khiến nước này dễ bị tổn thương hơn.
Ông Scholz nhiều lần nhắc đến thực tế rằng Đức là nước tài trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, sau Mỹ. Đức cũng dẫn đầu dự án lá chắn chống tên lửa của châu Âu sử dụng công nghệ của Mỹ và Israel, dự án mà Pháp kiên quyết không tham gia. Pháp cho rằng những sáng kiến như vậy làm suy yếu nỗ lực của ông Macron về chính sách “mua vũ khí của châu Âu” vốn là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của EU. Paris coi đây là động thái “vi phạm vùng ảnh hưởng” của Đức.
Một nguồn tin thân cận cho biết, Đức đã phá vỡ thỏa thuận vốn là nền tảng của trục Pháp-Đức, bởi lâu nay Đức được cho là nắm quyền lãnh đạo kinh tế ở châu Âu, trong khi Pháp nắm quyền lãnh đạo chiến lược. Do đó, Tổng thống Macron có ý định lấy lại vai trò lãnh đạo chiến lược của châu Âu.
Thể hiện vai trò lãnh đạo đối với vấn đề Ukraine
Các nguồn tin đều cho rằng Tổng thống Macron muốn Pháp được coi là nhà lãnh đạo về vấn đề Ukraine trên toàn cầu trong bối cảnh chính trị đang thay đổi, cả trên trường quốc tế và trong nước. Điều này diễn ra khi cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11-2024 có thể chứng kiến cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Đảng Cộng hòa cũng đang chặn viện trợ bổ sung của Mỹ cho Kiev tại Hạ viện do ảnh hưởng của ông Trump.
Trong khi đó, Tổng thống Macron đang nỗ lực thúc đẩy khái niệm xây dựng “quyền tự chủ chiến lược” của EU để bảo đảm khối này có thể phát huy ảnh hưởng địa chính trị của mình một cách độc lập với Mỹ. Một nguồn tin trong Điện Elysee cho biết: “Ông Macron nói rằng châu Âu cần phải nắm lấy vận mệnh của mình và nếu họ cần gửi quân để bảo vệ vận mệnh của chính mình, thì họ phải sẵn sàng làm điều đó”. Để thể hiện vai trò này, tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris về việc hỗ trợ Ukraine, nhà lãnh đạo Pháp đưa ra thông báo gây chấn động là đề nghị các quốc gia châu Âu có thể gửi quân tới Ukraine. Có thể nói, tuyên bố can thiệp của ông Macron được đưa ra nhằm củng cố quyết tâm của châu Âu trong bối cảnh các lực lượng Nga đang giành nhiều ưu thế ở tiền tuyến.
NGHI VĂN
.