Quốc tế
Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm
Ngày 19-3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiến hành cuộc cải tổ chính sách sâu rộng, trong đó đáng chú ý là quyết định hủy bỏ chính sách lãi suất âm sau 8 năm áp dụng với nhiều tranh cãi và lần đầu tiên tăng lãi suất cho vay kể từ năm 2007. Như vậy, BoJ trở thành cơ quan tiền tệ lớn cuối cùng trên thế giới từ bỏ chính sách lãi suất âm.
BoJ quyết định nâng lãi suất cho vay qua đêm ở mức 0-0,1%, tăng một chút so với mức âm 0,1-0%, chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ được áp dụng từ năm 2016 nhằm thúc đẩy cho vay. Các chính sách của BoJ trước đó trái ngược với các ngân hàng trung ương khác, vốn đã tăng lãi suất mạnh trong hai năm qua để chống lạm phát do Covid-19 và vấn đề về chuỗi cung ứng. Chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng của BoJ nhiều năm qua đã khiến đồng Yên trượt giá nhanh chóng, gây ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình, khiến nước này chịu áp lực ngày càng tăng trong việc thực hiện các bước nhằm giảm thiểu lạm phát.
Bỏ chính sách lãi suất âm khi lạm phát ổn định
Giải thích về quyết định hủy bỏ chính sách lãi suất âm, BoJ cho biết, mục tiêu lạm phát tăng 2% bền vững hàng năm trong dài hạn “đã nằm trong tầm mắt”. BoJ có vẻ tự tin hơn về khả năng đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, được hỗ trợ bởi tăng trưởng tiền lương. Với mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2% hoặc cao hơn hoàn toàn khả thi, BoJ tiến tới tăng lãi suất cao hơn, báo hiệu sự bắt đầu bình thường hóa chính sách.
Bên cạnh đó, BoJ cũng chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm. Đây là chính sách mà ngân hàng trung ương áp dụng để nhắm đến mục tiêu lãi suất dài hạn, bằng cách mua và bán trái phiếu khi cần thiết. BoJ cũng sẽ ngừng mua các chứng chỉ quỹ ETF và quỹ tín thác đầu tư bất động sản Nhật, đồng thời giảm dần việc mua trái phiếu doanh nghiệp và đặt mục tiêu dừng hoàn toàn trong khoảng một năm tới.
Nhìn chung, BoJ chấm dứt chế độ lãi suất âm cuối cùng trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tốc độ tăng lương đang được đánh giá là cao nhất trong vòng 33 năm.
Ai lợi, ai thiệt?
Khi lãi suất tăng, chính BoJ và Chính phủ Nhật Bản là hai trong những đối tượng bị “thiệt hại tài chính” nhiều nhất. Với Chính phủ, lãi suất cho vay tăng lên ảnh hưởng đáng kể tới bảng cân đối tài chính khi mà Nhật Bản là một trong những chính phủ có nợ công lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển, với quy mô gấp hơn 2 lần nền kinh tế. Còn với BoJ, khi lãi suất tăng, ngân hàng này sẽ phải trả lãi cho khoản tiền dự trữ của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, lãi suất ngắn hạn tăng lên cũng gây áp lực tăng lợi suất trái phiếu chính phủ, từ đó khiến kho trái phiếu chính phủ khổng lồ mà BoJ đang nắm giữ chịu lỗ trên sổ sách.
Việc tăng lãi suất cũng tác động lớn tới thị trường bất động sản. Khi BOJ chấm dứt lãi suất âm, lãi suất khoản vay mua nhà sẽ tăng, ảnh hưởng tài chính của người mua nhà, đẩy giá cho thuê nhà tăng lên. Lãi suất vay mua nhà tăng lên cũng có thể khiến nhu cầu mua nhà giảm, kéo theo sự suy giảm của bất động sản và tác động lớn tới công ty bất động sản.
Đối với các công ty làm ăn kém, lãi suất tăng sẽ là thách thức lớn. Số lượng doanh nghiệp phá sản sẽ tăng lên khi lãi suất tăng. Các công ty xuất khẩu hay doanh nghiệp có hoạt động quốc tế lớn cũng chịu ảnh hưởng. Suốt nhiều thập niên, các doanh nghiệp này được hưởng lợi nhờ đồng Yên yếu, giúp lợi nhuận quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Yên của họ cao hơn.
Ở chiều ngược lại, các tổ chức tài chính được hưởng lợi lớn khi lãi suất tăng, đặc biệt là các ngân hàng khu vực trong dài hạn. Các công ty nhập khẩu và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi khi đồng yên mạnh lên. Giá thực phẩm và nhiên liệu nhập khẩu rẻ hơn. Đồng Yên mạnh lên cũng giảm áp lực lạm phát và thúc đẩy tiêu dùng của hộ gia đình.
GIA NGHI