Quốc tế
Dấu ấn mô hình trang trại thẳng đứng ở Dubai
Trang trại thẳng đứng quy mô lớn GigaFarm ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) được kỳ vọng có thể giúp cắt giảm lượng khí thải carbon và giải quyết vấn đề an ninh lương thực tại nhiều nước.
Năm 2022, Dubai vận hành trang trại thẳng đứng lớn nhất thế giới với diện tích 31.000m2 nằm trong khuôn viên Sân bay Quốc tế Al Maktoum. Trang trại gồm các khay trồng rau được xếp chồng lên nhau thành các tháp, tạo thành trang trại thẳng đứng để sản xuất rau xanh với lượng nước và đất tối thiểu. Song, danh hiệu này sắp bị xô đổ khi ở phía bên kia thành phố, tại Thung lũng Công nghệ Thực phẩm, trang trại thẳng đứng kiểu mới có tên GigaFarm lớn hơn nhiều sắp được đưa vào vận hành. GigaFarm, cao tới 12m, rộng 83.612 m2, được giám sát bởi công ty ReFarm. Dự án trị giá 1,2 tỷ dirham (326,7 triệu USD) này sẽ khởi công vào cuối năm 2024 và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Không chỉ lớn hơn rất nhiều so với các trang trại thẳng đứng khác, GigaFarm có cách vận hành “xanh” hơn. Canh tác lương thực gây ra 1/3 lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Để giúp nông nghiệp xanh hơn, GigaFarm sử dụng công nghệ có thể biến chất thải như nước thải và thực phẩm dư thừa thành sản phẩm nông nghiệp như phân trộn, thức ăn chăn nuôi, nước sạch và năng lượng. Bằng cách đưa các trang trại đến gần hơn với người tiêu dùng và sử dụng phương pháp sản xuất hiệu quả hơn để giảm sử dụng phân bón, hệ thống này hứa hẹn cắt giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất lương thực. Ngoài ra, có thể sản xuất tới 3.000 tấn rau xanh, cây giống mỗi năm, tương đương 1% lượng lương thực nhập khẩu của UAE.
Hệ thống này trông giống những bãi đậu xe nhiều tầng nhưng được trồng cây, thay vì để xe. Môi trường sinh trưởng được kiểm soát đặc biệt trong khi nước và phân bón được tính toán chi tiết nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Sử dụng hệ thống thủy canh, mỗi khay trồng được lót bằng phân hữu cơ hoặc xơ dừa thay vì đất như thông thường. Hệ thống đèn chiếu sáng đặc biệt giúp cung cấp ánh sáng cho cây phát triển như ánh sáng mặt trời. Các cảm biến và cả camera được sử dụng để theo dõi sự phát triển của thực vật. Các hệ thống trồng thẳng đứng có thể tự động quản lý ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, nước và chất dinh dưỡng. Các tòa tháp trong GigaFarm được chế tạo theo dạng module nên dễ dàng mở rộng quy mô...
Tuy nhiên, mô hình lý tưởng này cũng có những hạn chế. Công nghệ và cơ sở hạ tầng thông minh đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu rất lớn, chi phí vận hành cao và tiêu tốn nhiều điện năng. Dẫu vậy, với ưu điểm vượt trội, GigaFarm có thể tạo kỳ tích trong giải quyết an ninh lương thực và mô hình này có thể áp dụng cho bất kỳ khu vực đô thị nào.
Nguồn cung thực phẩm chống biến đổi khí hậu
Nông nghiệp công nghệ cao ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa an ninh lương thực. UAE nhập khẩu hơn 85% lượng thực phẩm, khiến nước này dễ bị gián đoạn chuỗi cung ứng. UAE mong muốn đa dạng hóa nguồn thu nhập, chuyển từ ngành hóa dầu sang các lĩnh vực “xanh” hơn như năng lượng tái tạo, giao thông bền vững và công nghệ nông nghiệp, do đó chính phủ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới như ReFarm.
Không chỉ UAE quan tâm đến các tranh trại thẳng đứng, Qatar cũng đang đầu tư mạnh vào nông nghiệp thông minh, và các công ty công nghệ nông nghiệp đang mở rộng hoạt động sang Saudi Arabia. Giá trị của ngành nông nghiệp công nghệ cao ước tính sẽ đạt 6,22 tỷ USD vào năm 2030 ở Trung Đông và châu Phi, khi mối lo ngại về an ninh lương thực trong khu vực ngày càng tăng và dân số đô thị tiếp tục bùng nổ.
GIA NGHI