Quốc tế

Quan hệ Mỹ-Israel thêm rạn nứt

07:16, 27/03/2024 (GMT+7)

Dẫu có bất đồng trước đó nhưng quan hệ Mỹ - Israel đang đối mặt với vết rạn lớn vì Israel tức giận khi Mỹ đứng sang một bên để Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) lần đầu tiên thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza.

Trẻ em chờ lấy nước sinh hoạt tại thành phố Rafah, Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Trẻ em chờ lấy nước sinh hoạt tại thành phố Rafah, Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Việc Mỹ bỏ phiếu trắng lần này hoàn toàn gây bất ngờ bởi trước đây, nước này liên tục phủ quyết các nghị quyết tương tự, qua đó đánh dấu sự thay đổi quan điểm nhất quán kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra.

Nghị quyết được mong đợi

Ngày 25-3, nhờ việc Mỹ bỏ phiếu trắng và 14 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ, Hội đồng Bảo an LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza kéo dài ít nhất cho đến hết tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo trong hai tuần để từ đó chấm dứt giao tranh vĩnh viễn; đồng thời yêu cầu thả ngay lập tức và vô điều kiện tất cả con tin, cũng như bảo đảm quyền tiếp cận nhân đạo.

Sự kiện này thu hút sự chú ý bởi đây là lần đầu tiên cơ quan quyền lực nhất hành tinh này thông qua nghị quyết về ngừng bắn kể từ khi xung đột bùng nổ. Đây rõ ràng là bước đột phá, tăng thêm áp lực lên cả Israel và Hamas nhằm chấm dứt xung đột, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng liên quan kế hoạch Israel tấn công thành phố Rafah ở phía nam Gaza, nơi có hơn 1,4 triệu người đang trú ẩn.

Dĩ nhiên, phản ứng trái chiều đã xuất hiện. Đối lập với sự hài lòng từ cả Hamas và chính quyền Palestine là sự tức giận của Israel khi nước này chỉ trích Hội đồng Bảo an không đặt ra điều kiện về việc thả con tin, cũng như không lên án Hamas về vụ tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7-10-2023, vụ việc khơi mào xung đột ở Gaza.

Điểm vướng mắc lặp đi lặp lại lâu nay trong đàm phán ngừng bắn toàn diện được cho là việc Israel không đáp ứng yêu cầu cốt lõi của Hamas khi không rút quân khỏi Gaza trong thời gian ngừng bắn.

CNN dẫn lời Ngoại trưởng Israel Katz tuyên bố nước này sẽ không tuân thủ nghị quyết khi nhấn mạnh: “Nhà nước Israel sẽ không ngừng bắn. Chúng tôi sẽ tiêu diệt Hamas và tiếp tục chiến đấu cho đến khi con tin cuối cùng trở về nhà”. Tiếp nối tuyên bố cứng rắn này là quyết định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về việc hủy bỏ chuyến đi Washington của hai cố vấn nước này vốn để thảo luận đề xuất của Mỹ về mở rộng viện trợ nhân đạo ở Gaza, cũng như giải pháp thay thế kế hoạch tấn công trên bộ của Israel ở Rafah. Giới chức Mỹ cho rằng, quyết định “quay xe” của ông Netanyahu là phản ứng thái quá và đáng tiếc.

Mỹ đã “đổi giọng”

Quyết định bất ngờ Mỹ và sự tức giận của Israel càng khiến những rạn nứt ngày càng lớn giữa ông Biden và ông Netanyahu thành hố sâu ngăn cách công khai. Đối với ông Biden, người có mối quan hệ gắn bó sâu sắc với Israel, cũng như rất miễn cưỡng cắt đứt quan hệ với ông Netanyahu, căng thẳng trong quan hệ song phương đã chạm ngưỡng đỉnh điểm sau nhiều tháng hai bên thất vọng lẫn nhau.

Washington Post dẫn lời ông Frank Lowenstein, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, từng giúp dẫn dắt các cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine vào năm 2014, chỉ ra rằng ba yếu tố chính dẫn đến căng thẳng giữa Mỹ và Israel ngày 25-3 gồm: những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Israel về chiến dịch đổ bộ quy mô lớn vào Rafah; tình hình nhân đạo thảm khốc ở Gaza và thông báo của Israel về lập các khu định cư mới ở Bờ Tây trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thăm Palestine hồi đầu tháng 3-2024.

Theo CNN, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby phân trần rằng quyết định bỏ phiếu trắng thay vì phủ quyết của Mỹ lần này phù hợp với chính sách lâu đời của nước này ở Dải Gaza và không thể hiện sự thay đổi nào trong quan điểm của họ. Song, theo giới quan sát, động thái của Mỹ gửi thông điệp rằng, sự kiên nhẫn với chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza là có hạn.

Rõ ràng, Mỹ và Israel đang trải qua giai đoạn khó khăn nhưng mối quan hệ đồng minh thân thiết này không dễ bị phá vỡ. Điều này có thể thấy khi chỉ vài giờ sau cuộc bỏ phiếu, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby đã tìm cách hạ thấp cảm giác căng thẳng song phương khi nói rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Israel và thúc đẩy tiến trình thả tất cả con tin do Hamas bắt giữ. Trước những dự đoán khả năng chính quyền ông Biden sẽ sử dụng viện trợ vũ khí như đòn bẩy để gây áp lực buộc Israel thay đổi kế hoạch quân sự, ông Kirby cũng khẳng định, Mỹ sẽ không sử dụng “động lực quyền lực” với “người bạn tốt và đồng minh” Israel.

Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an có tính ràng buộc theo luật pháp quốc tế mặc dù các chuyên gia pháp lý cho rằng các bên liên quan khó mà thực thi và thường xuyên bỏ qua. Các quan chức Mỹ cho biết, nghị quyết mới nhất không có tính ràng buộc về mặt pháp lý song những người khác lại không đồng ý. Washington Post dẫn lời các chuyên gia cho rằng, nếu Israel không tuân thủ nghị quyết, chính quyền ông Biden vẫn sẽ không cho phép các thành viên Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt hoặc các hình phạt khác đối với Israel”.

THƯ LÊ

.