Quốc tế

Thách thức lớn với đảng cầm quyền Singapore

07:32, 26/03/2024 (GMT+7)

Nhạc kịch Hamilton ở West End, “kinh đô” của kịch nghệ và giải trí Anh hay trận đấu giữa Arsenal và Tottenham Hotspur ở sân Emirates… thoạt nghe qua tưởng như đây là bảng liệt kê lựa chọn giải trí cuối tuần ở Anh, nhưng tại Singapore, chúng lại là một phần của bê bối tham nhũng lớn nhất bị phanh phui trong gần 40 năm qua.

Đầu tuần này, ông Subramaniam Iswaran (S. Iswaran), cựu Bộ trưởng giao thông vận tải Singapore, bị cáo buộc thêm các tội danh tham nhũng mới, mở rộng quy mô bê bối chính trị làm rúng động quốc đảo sư tử, nơi nổi tiếng với lập trường không dung thứ với mọi hành vi biển thủ công quỹ.

Trước đó, vào đầu tháng 2-2024, ông S. Iswaran bị buộc tội nhận hối lộ các món quà trị giá hơn 283.000 USD từ ông trùm bất động sản người Malaysia Ong Beng Seng, trong đó có vé xem các vở nhạc kịch ở West End và các trận bóng của giải Ngoại hạng Anh, để rồi “đáp lễ” cho ông Ong những lợi thế kinh doanh nhất định. Trong cáo buộc mới nhất ngày 25-3, ông S. Iswaran nhận nhiều quà tặng có tổng trị giá gần 14.110 USD, gồm rượu whiskey, xe đạp Brompton và gậy golf, liên quan bản hợp đồng xây dựng ở một ga tàu. Như vậy, tổng cộng ông Iswaran đối mặt 35 tội danh bị cáo buộc với hơn 299.342 USD giá trị quà tặng đã nhận. Phiên tòa xét xử cựu quan chức 61 tuổi dự kiến diễn ra vào ngày 2-4.

Vụ việc này là đòn mạnh giáng vào niềm tự hào của người Singapore về một đất nước luôn nổi tiếng vì sự minh bạch và thượng tôn pháp luật nghiêm ngặt tới mức khắc nghiệt. Trong suốt gần 65 năm cầm quyền, đảng Hành động nhân dân (PAP) duy trì hệ thống chính trị gần như tuyệt đối trong sạch.

Đầu năm nay, trong bảng xếp hạng Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của tổ chức Minh bạch quốc tế, Singapore đứng thứ 5 thế giới về ít tham nhũng nhất. Quốc đảo sư tử cũng là nơi thực thi chính sách trả lương vô cùng hậu hĩnh cho quan chức chính phủ với mức lương khởi điểm là hơn 33.500 USD/tháng, thuộc diện cao nhất thế giới, như một sự đãi ngộ cần thiết để ngăn chặn tham ô. Điều đáng nói là ông Iswaran mới chỉ là bộ trưởng đầu tiên dính án tham nhũng kể từ năm 1986 ở Singapore.

Bê bối còn làm dấy lên quan ngại nhất định trong dư luận Singapore về thế hệ lãnh đạo mới. Đây sẽ là thách thức lớn với PAP trong củng cố niềm tin công chúng trước cuộc tổng tuyển cử rất quan trọng với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo vào tháng 11 -2025. Thủ tướng Lý Hiển Long từng tuyên bố, vào tháng 11-2024, ông sẽ chuyển giao quyền lãnh đạo PAP cho phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Lawrence Wong.

Tuy nhiên, ngoài bê bối chấn động nhất của ông Iswaran, trong khoảng 1 năm qua PAP cũng vướng vào một số rắc rối đáng chú ý. Tháng 7-2023, hai nghị sĩ của đảng này buộc phải từ chức vì lùm xùm đời tư. Vài tháng sau đó lại xảy ra chuyện hai bộ trưởng bị điều tra vì thuê các căn nhà bungalow thuộc sở hữu nhà nước. “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”, những vụ việc như vậy hoàn toàn đi ngược lại với hình ảnh mà PAP đã dày công vun đắp trong suốt vài thập kỷ để tạo nên một chính phủ quản trị trong sạch với sự lãnh đạo ổn định, đáng tin cậy như bản sắc của đảng cầm quyền.

Không ngạc nhiên khi trong công luận đã có những bình luận so sánh PAP của hôm nay với PAP dưới thời ông Lý Quang Diệu. Al Jazeer dẫn lời Bilveer Singh, Phó Trưởng khoa Khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, bình luận: “Dưới thời cố thủ tướng Lý Quang Diệu, bất kể các vụ tham nhũng và bê bối, người dân vẫn rất tin tưởng PAP. Tôi nghĩ qua nhiều năm, đảng này đã bắt đầu suy thoái”.

Khi nhìn vào những thách thức mà ông Lý Hiển Long và ông Lawrence Wong đang đối mặt, không chỉ là các vấn đề trong nước mà còn là những biến động phức tạp của tình hình thế giới, có người đặt câu hỏi liệu ông Lý Hiển Long có phải kéo dài thêm thời gian cầm quyền không. Bởi chẳng phải chính ông cũng từng nói ông sẽ chỉ chuyển giao quyền lực “nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp” hay sao?  Ở tình huống hiện nay, trong mắt giới phân tích, mọi sự với PAP không thực sự tốt đẹp.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.