Quốc tế

Ấn Độ trước "bom hẹn giờ" việc làm

08:05, 25/04/2024 (GMT+7)

Ấn Độ hiện là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới nhưng lại không tạo đủ việc làm cho nguồn lao động trí thức. Thực trạng đại đa số thanh niên có trình độ học vấn cao vẫn phải lao động chân tay để kiếm sống đang phơi bày nghịch lý tại quốc gia đông dân nhất toàn cầu.

Bỏ lỡ lợi thế

Trong cuộc thăm dò từ ngày 16 đến 23-4 của Reuters, phần lớn các nhà kinh tế cho biết, tình trạng thất nghiệp được xem là thách thức lớn nhất đối với Chính phủ Ấn Độ lúc này. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Ấn Độ hiện cao hơn mức trung bình toàn cầu và đây cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 25%.

Kinh tế Ấn Độ nhiều khả năng có thể tăng trưởng lần lượt 6,5% và 6,7% trong năm tài chính 2024 và năm kế tiếp. Dù tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong số các nước lớn, kinh tế Ấn Độ vẫn không tạo đủ việc làm cho dân số trẻ ngày càng đông. Theo Trung tâm Giám sát kinh tế Ấn Độ, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này tăng 7,6% trong tháng 3-2024. Các động lực tạo việc làm hiện có như phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất chưa chuyển biến đáng kể. Ngân hàng Thế giới (WB) gần đây cảnh báo, Ấn Độ giống như các quốc gia Nam Á khác khi không tạo đủ việc làm để theo kịp tốc độ dân số trong độ tuổi lao động đang tăng nhanh. Hiện, hơn một nửa trong số 1,4 tỷ người Ấn Độ ở độ tuổi dưới 30. Rõ ràng, quốc gia này bỏ lỡ đáng tiếc cơ hội khi không thể tận dụng tối đa lợi tức nhân khẩu học tiềm năng.

AP dẫn lời ông Kunal Kundu, chuyên gia kinh tế về Ấn Độ tại Viện nghiên cứu Ấn Độ, cho biết: “Sau một thập niên thị trường việc làm mờ nhạt, số lượng người lao động chán nản ngày càng tăng đã đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động (LFPR) của Ấn Độ xuống mức thấp kỷ lục”. Tâm lý chán nản, thất vọng đang phủ bóng trong đời sống giới trẻ. Thực trạng đáng buồn này thôi thúc người trẻ rời khỏi Ấn Độ thông qua các kênh bất hợp pháp để tìm kiếm việc làm ở “những miền đất hứa” Mỹ hoặc Canada. Dân số tăng nhanh tỷ lệ nghịch với số lượng việc làm được tạo ra, dẫn tới cạnh tranh việc làm khốc liệt. Giới quan sát lo ngại tình hình này ở Ấn Độ không khác gì “quả bom hẹn giờ” về bất ổn xã hội do thất nghiệp tăng cao. Những ước tính gần đây cũng cho thấy tình trạng bất bình đẳng ở Ấn Độ đang ở mức cao nhất mọi thời đại.

Nghịch lý giữa bằng cấp và việc làm

Bloomberg dẫn số liệu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, những người trẻ có trình độ học vấn cao hơn có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người không được đi học ở Ấn Độ. Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp đại học là 29,1%, gấp 9 lần so với tỷ lệ 3,4% ở những người không biết đọc hoặc viết. Các số liệu này cho thấy sự không phù hợp rõ ràng giữa kỹ năng của lực lượng lao động và việc làm được tạo ra trên thị trường. Giờ đây, giáo dục đại học không còn là “tấm vé vàng” bảo đảm tương lai sáng sủa cho người trẻ ở Ấn Độ khi nhiều sinh viên tốt nghiệp phải chạy giao hàng hay làm  công việc tạm thời để trang trải cuộc sống. Thực trạng này đặt ra câu hỏi về chất lượng giáo dục đại học ở Ấn Độ. Thực tế, tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục chỉ chiếm 2,9% của GDP, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế. Chưa kể, nhiều trường đại học vẫn có chương trình đào tạo lỗi thời trong khi các doanh nghiệp trong nước và FDI muốn tìm kiếm nhân sự có năng lực trong những lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất xe điện, trí tuệ nhân tạo.

Thủ tướng Narendra Modi đang nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ 3 trong cuộc bầu cử đang diễn ra. Tuy nhiên, có lo ngại rằng sự tức giận trước tình trạng thất nghiệp có khiến cử tri trẻ đang quay lưng với đảng cầm quyền của ông. Theo trung tâm nghiên cứu Lokniti-CSDS có trụ sở tại Delhi, cuộc khảo sát tháng 3-2024 cho thấy, 30% sinh viên ở thủ đô Delhi đổ lỗi cho chính phủ của ông Modi về tỷ lệ thất nghiệp cao. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ Ấn Độ đang biến những lợi thế của quốc gia đông dân số hàng đầu thế giới thành nguy cơ đối vào thời điểm với nền kinh tế đang cất cánh để vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2026 và chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc vào năm 2028.

THƯ LÊ

.