Quốc tế
Vì sao Nga ngăn việc giám sát trừng phạt Triều Tiên?
Tuần qua, Nga ngăn chặn nghị quyết gia hạn hằng năm nhóm chuyên gia giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ) đối với Triều Tiên liên quan chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của nước này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Sân bay vũ trụ Vostochny ở Amur thuộc vùng Viễn Đông của Nga vào tháng 9-2023. Ảnh: KCNA |
Theo AP, dự thảo nghị quyết do Mỹ đề xuất bỏ phiếu gia hạn nhiệm vụ của nhóm chuyên gia hỗ trợ Ủy ban phụ trách các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Triều Tiên đến ngày 30-4-2025. Nga phủ quyết; Trung Quốc bỏ phiếu trắng; 13 nước còn lại bỏ phiếu thuận. Theo đó, nhóm chuyên gia sẽ ngừng nhiệm vụ giám sát vào cuối tháng 4-2024.
Mất tính khách quan?
Việc Nga dùng quyền phủ quyết được coi là bước ngoặt lớn trong cơ chế trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên. Rõ ràng, động thái này không thể xóa bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhưng chấm dứt sự giám sát lâu nay của LHQ. Hẳn nhiên, phương Tây quy việc Nga bảo vệ Triều Tiên lần này cho mối quan hệ ngày càng khởi sắc giữa hai nước láng giềng.
Ở chiều ngược lại, Nga công khai lý giải vì sao họ phải sử dụng quyền phủ quyết lần này; trong đó tính khách quan trong hoạt động của nhóm chuyên gia là điều đáng lo ngại nhất. TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 28-3 cho biết, nhóm chuyên gia đã đánh mất mọi tiêu chuẩn về tính khách quan và độc lập, chỉ là công cụ phục tùng các đối thủ địa chính trị của Triều Tiên.
Mục tiêu của nhóm không phải để giải quyết các vấn đề duy trì an ninh quốc tế và khu vực, mà chỉ nhằm làm tổn hại Triều Tiên và ảnh hưởng uy tín của nước này. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chưa thể đánh giá chính xác quy mô của đòn trừng phạt trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra cho người dân Triều Tiên thời gian qua. Do đó, cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên dựa trên khuôn mẫu cũ với mạng lưới lệnh trừng phạt phức tạp và rộng khắp vốn không còn phù hợp và xa rời thực tế hoàn toàn không thể giúp tình hình an ninh khu vực chuyển biến theo chiều hướng tốt. Trong trường hợp không có cơ chế sửa đổi theo hướng nới lỏng, các lệnh trừng phạt này vẫn là tác nhân cản trở việc xây dựng lòng tin và duy trì đối thoại chính trị.
Trong khi đó, Trung Quốc bỏ phiếu trắng với lập trường “giải pháp chính trị là cách duy nhất”. Sau cuộc bỏ phiếu, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên áp dụng cách tiếp cận hợp lý, duy trì cam kết giải quyết vấn đề bằng giải pháp chính trị, nối lại liên lạc, xây dựng lòng tin lẫn nhau, tái khởi động đối thoại càng sớm càng tốt và nỗ lực hơn nữa vì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Cộng đồng quốc tế, trong đó có cả Hội đồng Bảo an, cần tạo ra môi trường thuận lợi để hiện thực hóa mục tiêu này.
Phương Tây thêm lo
Phiếu chống của Nga thực sự gây bất ngờ bởi trong suốt 14 năm qua nước này không ngăn hoạt động nhóm chuyên gia này. Khi sự cạnh tranh toàn cầu ngày càng nóng lên kể từ khoảng năm 2019, Nga và Trung Quốc - hai nước có nhiều tương tác nhất với Triều Tiên, bắt đầu kêu gọi giảm nhẹ lệnh trừng phạt. AFP dẫn lời ông Hong Min, nhà phân tích cấp cao tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, cho biết, vào thời điểm đó, Nga sử dụng vấn đề Triều Tiên làm đòn bẩy để phản đối việc NATO mở rộng về phía đông ở châu Âu và tăng cường lực lượng của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ông cho rằng, Nga đang bộc lộ sự phản đối đối với các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên mình thông qua việc phủ quyết này.
Việc Nga thay đổi quan điểm lần này càng nới rộng hố sâu ngăn cách với Mỹ, và phương Tây nói chung. Theo AP, các đồng minh phương Tây của Mỹ cho rằng, mục đích phủ quyết lần này của Nga là do nước này có ý định mua vũ khí từ Triều Tiên để phục vụ cho chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine - một cáo buộc mà cả Nga và Triều Tiên thẳng thừng bác bỏ. Phó Đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood cho rằng, động thái của Nga sẽ khuyến khích Triều Tiên tiếp tục gây ảnh hưởng an ninh toàn cầu thông qua phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa và nỗ lực tránh lệnh trừng phạt. Tương tự, Đại sứ Hàn Quốc tại LHQ Hwang Joon-kook lo ngại, sự việc này chẳng khác nào gỡ bỏ camera quan sát cần thiết. AFP dẫn lời Giáo sư Leif-Eric Easley tại Đại học Ewha (Hàn Quốc), nhận định, trước sự sụp đổ của nhóm chuyên gia giám sát, Mỹ-Nhật-Hàn nhiều khả năng càng tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ hơn để ứng phó với Triều Tiên.
Ủy ban trừng phạt được thành lập vào năm 2006 theo Nghị quyết 1718 của Hội đồng Bảo an, trong đó có cả việc áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Nhóm chuyên gia được thành lập vào năm 2009, hỗ trợ công việc của ủy ban thông qua phân tích chuyên sâu, đặc biệt đánh giá trường hợp không tuân thủ. Trong khi Ủy ban có thể đưa ra quyết định ràng buộc về mặt pháp lý về cách thực hiện cụ thể biện pháp trừng phạt, nhóm chuyên gia chỉ có vai trò cung cấp thông tin và cố vấn để hỗ trợ những quyết định đó. Sứ mệnh của nhóm hết hạn hằng năm vào cuối tháng 4 và năm nay Nga đã ngăn chặn việc gia hạn. |
THƯ LÊ