Quốc tế

Cải tạo đô thị, nhìn từ "chuyện nhỏ xíu"

07:38, 30/03/2024 (GMT+7)

Kể từ đầu tháng 3-2024, du khách đến Nhật Bản có thêm lựa chọn trải nghiệm du lịch đặc biệt: tour tham quan 17 nhà vệ sinh công cộng độc đáo tại phường Shibuya, thủ đô Tokyo.

Mẫu nhà vệ sinh có tường trong suốt và các tường sẽ chuyển sang mờ đục không thể nhìn xuyên qua khi người dùng bên trong khóa lại do kiến trúc sư Shigeru Ban thiết kế.  Ảnh: Metropolis Japan
Mẫu nhà vệ sinh có tường trong suốt và các tường sẽ chuyển sang mờ đục không thể nhìn xuyên qua khi người dùng bên trong khóa lại do kiến trúc sư Shigeru Ban thiết kế. Ảnh: Metropolis Japan

Hiệp hội du lịch thành phố Shibuya và Công ty NearMe có trụ sở tại phường Chuo (Tokyo) phối hợp tổ chức tour du lịch “Tokyo toilet shuttle tour” với mục tiêu: “Chúng tôi muốn quảng bá điều này như tài nguyên du lịch mới đối với du khách trong và ngoài nước”.

Cú hích từ Liên hoan phim Cannes

17 nhà vệ sinh nằm trong tour du lịch đặc biệt này được cải tạo lại vào giai đoạn 2018-2023 trong dự án “Tokyo toilet Project”, chương trình hợp tác giữa Quỹ Nippon, ông Koji Yanai (lãnh đạo tại tập đoàn thời trang Uniqlo) và chính quyền phường Shibuya nhằm xóa bỏ ấn tượng lâu nay về nhà vệ sinh công cộng. Dự án mời 16 kiến trúc sư và các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới, trong đó có những tên tuổi như Tadao Ando và Kengo Kuma từng đoạt giải “Nobel kiến trúc” Pritzker, tham gia thiết kế các mẫu khác nhau cho các nhà vệ sinh. Có nhiều ý tưởng được chọn, chẳng hạn mẫu “nhà vệ sinh công cộng Jingumae” được thiết kế theo lối tương tự ngôi nhà kiểu cũ ở quận Harajuku, hay mẫu “nhà vệ sinh công cộng Yoyogi-Hachima” được thiết kế theo kiểu dáng của 3 nấm sinh trưởng hài hòa với khu rừng bao quanh đền Yoyogi-Hachima gần đó.

Cũng phải kể tới “cú hích” đáng kể khiến mọi người chú ý nhiều hơn tới các nhà vệ sinh mới ở Shibuya là ở Liên hoan phim Cannes lần thứ 76 vào tháng 5-2023. Khi đó, anh Koji Yakusho giành giải nam diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn Hirayama trong phim “Perfect Days” (tạm dịch: Những ngày hoàn hảo) của đạo diễn người Đức Wim Wenders, bộ phim kể về cuộc sống thường nhật của Hirayama, nhân viên dọn vệ sinh ở toilet công cộng của phường Shibuya.

Tour du lịch sẽ gồm 2 tuyến tham quan: tuyến phía đông thăm 8 nhà vệ sinh, trong đó có nhà vệ sinh công cộng Jingumae; và tuyến phía tây gồm 9 nhà vệ sinh, gồm nhà vệ sinh công cộng Yoyogi-Hachiman. Các tuyến này được tổ chức đồng thời từ 10 giờ đến 14 giờ vào các ngày thứ Năm và thứ Bảy hằng tuần với giá vé mỗi người là khoảng 33 USD. Mỗi tour kéo dài khoảng 2 tiếng và du khách được phép sử dụng nhà vệ sinh trong khi tham quan.

Sức hút của kiến trúc

“Nhiều người tham gia tour rất quan tâm kiến trúc”, bà Yumiko Nishi, quản lý mảng PR của hiệp hội du lịch phường Shibuya chia sẻ với Kyodo. Đây có lẽ là điều không bất ngờ bởi trong số các kiến trúc sư được mời tham gia có ông Kengo Kuma, người nổi tiếng với công trình Sân vận động quốc gia Nhật Bản được sử dụng trong hai sự kiện Olympic và Paralympic tại Tokyo vào mùa hè năm 2021; và ông Toyo Ito, kiến trúc sư từng đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker thiết kế Nhà hát Opera Đài Trung ở Đài Loan (Trung Quốc).

Tuyến phía tây được ưa thích hơn một chút vì có nhiều công trình do các kiến trúc sư nổi tiếng thiết kế. Tuyến này còn có các nhà vệ sinh do kiến trúc sư Shigeru Ban thiết kế, đây cũng là người duy nhất đóng góp tới hai mẫu khác nhau, trong đó có mẫu các nhà vệ sinh có cửa kính trong suốt và nhiều màu sắc sẽ trở nên mờ đục không thể nhìn thấy gì khi được khóa lại. Đây chính là công trình thu hút được nhiều sự chú ý nhất của truyền thông kể từ khi dự án cải tạo 17 nhà vệ sinh hoàn thành vào năm ngoái.

Chia sẻ với truyền thông, kiến trúc sư từng đoạt giải Pritzker Shigeru Ban cho biết, mẫu thiết kế của ông được gợi lên từ ý tưởng muốn xóa bỏ nỗi lo lắng và sợ hãi của mọi người thường gắn với các nhà vệ sinh công cộng: thứ nhất là sự sạch sẽ, và thứ hai là không biết có ai đã ở trong đó chưa. Chị Shinobu Kojima, du khách tham gia tuyến tham quan phía tây, thích nhất mẫu thiết kế toilet màu trắng sáng ở khu Nishisando, vì “những đường cong mềm mại” của nó, ý muốn nhắc tới những vòi nước ở phía trước phòng vệ sinh được bài trí theo không gian thoai thoải nhiều cấp độ để mọi người ở các lứa tuổi đều có thể cùng lúc rửa tay dễ dàng.

Dù tour du lịch mới vẫn ở giai đoạn bắt đầu nhưng các nhà tổ chức cũng tiếp nhận mối quan tâm từ các du khách nước ngoài. Theo Kyodo, nhà vệ sinh đầu tiên cải tạo trong dự án được đưa vào hoạt động từ năm 2020, còn cái cuối cùng đã hoàn thành vào cuối năm ngoái.

Nhà vệ sinh - chuyện nhỏ mà lớn ở Tokyo
Nhiều thành phố của các nước có thể sẽ “ghen tị” khi nhìn vào hệ thống nhà vệ sinh công cộng tại Tokyo. Với khoảng 14 triệu dân, Tokyo hiện đang duy trì tỷ lệ cứ 100.000 dân lại có 53 nhà vệ sinh công cộng, trong khi tỷ lệ này ở London (Anh) là 14.
Dự án cải tạo nhà vệ sinh của quận Shibuya đạt hiệu quả mong muốn. Theo kết quả khảo sát của Quỹ Nippon, mức độ hài lòng của những người sử dụng tại 17 nhà vệ sinh cải tạo tăng từ 44% lên gần 90%, trong khi tỷ lệ công chúng có cái nhìn tiêu cực về nhà vệ sinh công cộng đã giảm từ 30% xuống chỉ còn 3%.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.