Quốc tế

"Chiến tranh lạnh" dưới đáy biển

13:06, 13/05/2024 (GMT+7)

Cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng đến dòng chảy luồng dữ liệu toàn cầu. Số lượng tuyến cáp quang biển mới nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới dự kiến tiếp tục giảm trong khi các dự án kết nối với các nước châu Á tăng lên.

Google và những “gã khổng lồ” công nghệ khác của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc lắp đặt các tuyến cáp biển quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia
Google và những “gã khổng lồ” công nghệ khác của Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc lắp đặt các tuyến cáp biển quốc tế. Ảnh: Nikkei Asia

Mỹ-Trung tăng cạnh tranh

Theo Nikkei Asia, từng được kỳ vọng là trung tâm của các mạng lưới cáp quang biển trong tương lai giúp hình thành huyết mạch lưu thông dữ liệu quốc tế quan trọng, Trung Quốc dự kiến chỉ lắp đặt 3 tuyến cáp sau năm 2024, ít hơn một nửa số lượng dự kiến của Singapore. Ba tuyến cáp quốc tế nối Hồng Kông (Trung Quốc) dự kiến hoàn thành vào năm 2025 nhưng đến nay không có dự án nào được triển khai. Sự hiện diện của Trung Quốc mờ dần trên mặt trận này ít nhiều ảnh hưởng đến việc xây dựng các trung tâm dữ liệu trong nước.

Trong khi đó, các “ông lớn” công nghệ hàng đầu của Mỹ liên tiếp công bố các dự án kết nối với các nước khác ở châu Á. Đáng chú ý là việc Google vừa công bố dự án trị giá 1 tỷ USD lắp đặt 2 tuyến cáp ngầm dưới biển lần lượt nối Nhật Bản với Hawaii và Guam, lãnh thổ hải ngoại xa nhất của Mỹ, qua đó cải thiện đáng kể hạ tầng truyền thông kỹ thuật số giữa Mỹ, Nhật Bản và các quốc đảo Thái Bình Dương. Dự án ra mắt vào thời điểm diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ở Washington vào tháng 4-2024. Nikkei Asia dẫn lời ông Alan Mauldin, Giám đốc nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường TeleGeography (Mỹ), nhận định, đằng sau dự án hợp tác công tư này là “cuộc chiến tranh lạnh dưới biển” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cạnh tranh Mỹ-Trung về công nghệ chủ chốt đang lấn sang cuộc đua cáp quang dưới biển. Hơn 15 tuyến cáp ngầm dài hơn 1.000km, tất cả đều được đưa vào sử dụng từ năm 1994, nối Trung Quốc và phần còn lại của thế giới. China Mobile và các công ty nhà nước khác dẫn đầu các dự án xuyên Thái Bình Dương, đôi khi cùng hợp tác với Mỹ để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, “gió đã đổi chiều” vào khoảng năm 2020 khi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump áp dụng sáng kiến “mạng sạch” loại các doanh nghiệp Trung Quốc khỏi các dự án cơ sở hạ tầng viễn thông nhằm bảo đảm an ninh dữ liệu quốc gia.

Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ kêu gọi Google và Meta xem lại kế hoạch lắp đặt tuyến cáp dài 13.000km nối Los Angeles (Mỹ) và Hồng Kông (Trung Quốc). Lúc đó, dự án ở giai đoạn cuối nhưng “gã khổng lồ” này quyết định đặt điểm đến của tuyến cáp ở Đài Loan (Trung Quốc) và Philippines. Tương tự, một dự án cáp khác do Ngân hàng Thế giới (WB) dẫn dắt dành cho các quốc đảo Nam Thái Bình Dương từ chối doanh nghiệp Trung Quốc nhằm chiều lòng Mỹ. Công ty HMN Tech (Trung Quốc) dự định tham gia xây dựng tuyến SeaMeWe-6 kết nối dữ liệu của hàng chục nước khi chạy từ Singapore đến Pháp nhưng tuột mất hợp đồng sau khi Mỹ “nẫng tay trên” bỏ thầu cao hơn.

Dù không phải hệ thống cáp quang lớn nhất thế giới nhưng xét về mặt chính trị, dự án này là “chiến lợi phẩm” trong cuộc chiến ủy nhiệm đang gia tăng Mỹ - Trung về những công nghệ mang tính chiến lược, có thể quyết định ai nắm quyền kiểm soát kinh tế và quân sự trong nhiều thập niên tới. Theo giới qua sát, sở dĩ Mỹ phải can thiệp như vậy vì cơ quan tình báo Mỹ lo ngại khả năng Trung Quốc và những nước khác có thể lắp “cửa sau” vào dây cáp, điều này sẽ định tuyến lại dữ liệu, tạo điều kiện để cơ quan tình báo thu thập dữ liệu.

Thêm nhiều dự án kết nối với châu Á

Theo TeleGeography, về tổng thể, nhu cầu về lưu lượng dữ liệu giữa Mỹ và châu Á nhìn chung vẫn mạnh, với kế hoạch lắp đặt 4 tuyến cáp từ Mỹ tới Nhật Bản và 7 tuyến cáp đến Singapore sau năm 2024. Ngoài ra, 9 tuyến cáp sẽ được kết nối tới đảo Guam, nằm giữa lục địa Mỹ và Đông Nam Á. Các công ty công nghệ của Mỹ đang tham gia tích cực vào các dự án lắp đặt cáp quang biển quốc tế với tổng chiều dài 220.000 km từ năm 2021 đến năm 2025, chiếm 48% tổng số dự án mới toàn cầu, tăng 15% so với năm 2020.

Sự hiện diện của các tuyến cáp cũng ảnh hưởng đến vị trí đặt trung tâm dữ liệu của các nước. Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield (Mỹ) dự báo, Trung Quốc sẽ chiếm 7% doanh thu toàn cầu của các trung tâm dữ liệu vào năm 2028, giảm từ mức 9% vào năm 2023. Trong khoảng thời gian đó, thị phần của Mỹ dự kiến ​​cũng giảm từ 49% xuống còn 38%. Trong khi đó, Đông Nam Á có thể chứng kiến tỷ lệ này tăng từ 9% lên 11% nhờ các dự án cáp mới liên tiếp được triển khai, qua đó kỳ vọng thúc đẩy nền kinh tế số của khu vực. Đáng chú ý, Singapore trở thành một trong những quốc gia kết nối với nhiều nơi trên thế giới nhất, với hơn 25 hệ thống cáp ngầm dưới biển nối đảo quốc này với các thành phố lớn ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Khoảng 140.000 km cáp sẽ được hoàn thành trong năm 2024
Khi nhắc đến truyền thông toàn cầu, mọi người thường nghĩ đến các vệ tinh cách Trái đất hàng dặm, nhưng thực tế phần lớn dòng chảy viễn thông toàn cầu đều đi qua hàng trăm sợi cáp quang chạy dọc đáy đại dương. Cáp ngầm dưới biển tạo thành “xương sống” của hệ thống internet toàn cầu khi vận chuyển 99% lưu lượng dữ liệu của thế giới và hỗ trợ hơn 10.000 tỷ USD giao dịch. Theo TeleGeography, khoảng 140.000km cáp sẽ được hoàn thành trong năm 2024, gấp ba lần so với năm 2020. Con số này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về lưu lượng dữ liệu được thúc đẩy bởi sự phổ biến của dịch vụ truyền phát video và điện toán đám mây.

THƯ LÊ

.