Đà Nẵng cuối tuần

Che núi!

17:21, 11/05/2024 (GMT+7)

Chuyện bất ngờ này đang diễn ra tại thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi (Nhật Bản), nơi có một vị trí đắc địa có thể ngắm nhìn và chụp hình với núi Phú Sĩ - một biểu tượng của nước Nhật.

Những ngày qua, thị trấn nhỏ này đã khởi công xây dựng tấm rào chắn dạng lưới màu đen ở gần một cửa hàng tiện lợi Lawson để che tầm nhìn về núi Phú Sĩ, ngăn tình trạng du khách ồ ạt tới đây chụp ảnh khi trong số họ có những người thiếu ý thức gây phiền hà cho người dân địa phương.

Các du khách chụp hình kỷ niệm trước cửa hàng tiện lợi Lawson ở thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản với hình nền phía sau là núi Phú Sĩ vào ngày 28-4-2024.  Ảnh: Kyodo News / AP
Các du khách chụp hình kỷ niệm trước cửa hàng tiện lợi Lawson ở thị trấn Fujikawaguchiko, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản với hình nền phía sau là núi Phú Sĩ vào ngày 28-4-2024. Ảnh: Kyodo News / AP

Phẫn nộ với hành vi vô ý thức

Theo Hãng tin AFP, giới chức và người dân sở tại cho biết, thị trấn của họ hoan nghênh du khách nhưng họ cần ngăn chặn những người vô ý thức. Đó là những người liên tục băng qua đường, phớt lờ đèn đỏ, xả rác, tự ý đi vào nhà người khác, dừng đỗ xe không đúng quy định và hút thuốc bên ngoài các điểm quy định.

Tính tới giữa tháng Năm này, dự kiến bức rào chắn màu đen cao 2,5m và trải dài hơn 20m sẽ xây xong. Hành động quyết liệt của Fujikawaguchiko đã trở thành đề tài nóng xuất hiện nhiều trên báo chí cả trong nước và quốc tế. Nó cũng diễn ra trong bối cảnh Nhật Bản đối mặt với những vấn đề ngày càng tăng của tình trạng quá tải du khách, nhất là ở những địa danh nổi tiếng. Năm ngoái Nhật Bản đón hơn 25 triệu lượt khách và năm nay dự kiến hơn 32 triệu, theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản.

Sau động thái quyết liệt của Fujikawaguchiko, nhiều người Nhật (phần lớn không phải dân địa phương) đã gọi điện tới chính quyền thị trấn phàn nàn, chỉ trích. “Đây không phải vì chúng tôi không muốn mọi người ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Vấn đề là có quá nhiều người đã không thể tuân thủ những nguyên tắc cơ bản”, một vị quan chức địa phương phân trần với AFP.

Thực tế, theo Hãng tin AP, thị trấn Fujikawaguchiko đã thử nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề như dựng các biển báo yêu cầu du khách không chạy xuống đường và có những khu vực chỉ dẫn sang đường bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Thái và tiếng Hàn Quốc. Họ thậm chí cũng đã thuê nhân viên bảo vệ để kiểm soát đám đông, song tất cả đều vô tác dụng.

“Những hành xử cơ bản”

Nhiều người dân sở tại đồng tình với quan điểm của vị quan chức nói trên khi cho rằng việc dựng rào chắn như vậy là không hay lắm, nhưng có lẽ cần thiết. “Chúng tôi hoan nghênh các du khách nước ngoài đã mang lại sinh khí mới cho cộng đồng nơi đây, nhưng có quá nhiều vi phạm trong cách hành xử cơ bản như băng qua đường, xả rác và xâm phạm nhà cửa của người khác”, một cư dân 60 tuổi của thị trấn Fujikawaguchiko nói.

Là chủ cửa hàng cà phê ở gần khu vực sắp dựng bức rào chắn, chị Michie Motomochi cũng phàn nàn với AP về việc có rất nhiều điều đáng lo ngại về hành xử của du khách tới đây. Nhưng cũng có người nghi ngại về hiệu quả thành công của tấm rào chắn. “Rốt cuộc thì họ tới đây cũng là vì núi Phú Sĩ, vậy nên việc có tấm rào chắn đó là không phù hợp”, một phụ nữ tự giới thiệu là Watanabe nói với AFP. “Có thể có những cách khác để giải quyết vấn đề, nhưng hiện tại tôi cảm thấy điều đó không giúp ích gì”, người này nói thêm.

Trong khi một số du khách bày tỏ cảm thông và hy vọng chính quyền thị trấn có riêng một khu cho phép du khách chụp ảnh, một số lại tỏ ý nghi ngại việc tồn tại của tấm rào chắn có thể chỉ khiến tình hình thêm tồi tệ. “Ngăn cản mọi người ư? Tôi không nghĩ thế vì khi muốn thì người ta luôn có cách. Mọi người sẽ chỉ đứng bên cạnh trái hoặc cạnh phải của nó (tấm rào chắn) thôi”, anh Trinity Robinson, một du khách người Úc 29 tuổi bình luận. “Chắc chắn sẽ luôn có một cách nào đó để chụp được tấm hình. Và điều đó sẽ chỉ nguy hiểm hơn, thật sự vậy”. Lập luận của anh không phải không có lý khi mà ngay cả những hôm mây giăng mù trời trong tuần trước, hàng chục du khách vẫn đổ tới đây để chụp hình dù không thể “lấy được” núi Phú Sĩ vào hình nền như mong muốn.

Anh Ama, một người địa phương 37 tuổi, đề xuất giải pháp khả thi là các du khách có thể dành thời gian ghé thăm những địa danh biểu tượng khác xung quanh núi Phú Sĩ và họ vẫn có thể ngắm nhìn ngọn núi từ những nơi đó.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.