Quốc tế
Nga, Trung Quốc chỉ trích lệnh trừng phạt mới của Mỹ
Ngày 1-5, Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với gần 300 công ty và cá nhân ở Nga và các nước khác vì hỗ trợ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, đánh dấu một trong những đợt trừng phạt có quy mô lớn nhất cho đến nay. Giới chức Trung Quốc và Nga lên tiếng chỉ trích động thái mà họ cho là bất hợp pháp này.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 8-4 trong chuyến thăm Trung Quốc kéo dài một tuần. Ảnh: AFP |
Đáng chú ý, hơn 20 doanh nghiệp có trụ sở tại Trung Quốc đại lục và Hồng Kông (Trung Quốc) bị đưa vào danh sách trừng phạt mới nhất của Mỹ. Đây là một trong những hành động có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất, chống lại các công ty Trung Quốc cho đến nay khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt Nga. Ngoài Trung Quốc, các thực thể và cá nhân ở các nước khác gồm Azerbaijan, Bỉ, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị cáo buộc cho phép Nga mua công nghệ và thiết bị rất cần thiết từ nước ngoài.
Theo CNN, làn sóng trừng phạt mới nhất nhằm ngăn hành vi tránh lệnh trừng phạt và hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp - quân sự cũng như chương trình vũ khí sinh học, hóa học của Nga. Giới chức Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào bên tham gia cung cấp vật liệu cho Nga để sử dụng trong chất nổ. Suy cho cùng, đòn trừng phạt mới nhất nhằm làm gián đoạn, làm suy giảm khả năng của Nga trong duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc bởi họ cáo buộc những doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang Nga các mặt hàng có thể giúp chế tạo máy bay không người lái (UAV) như cánh quạt, động cơ và cảm biến, cũng như những công nghệ vi phạm các lệnh trừng phạt Nga trước đây. Theo Independent, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố, trong số các công ty Trung Quốc liên quan có Finder Technology, có trụ sở chính tại Hồng Kông (Trung Quốc), được cho là đã xuất khẩu 293 lô hàng linh kiện UAV và thiết bị điện tử sang Nga. Động thái gây bất lợi cho loạt doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra sau khi các quan chức hàng đầu Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Ngoại trưởng Antony Blinken, thăm Trung Quốc và liên tục đưa ra cảnh báo phải ngăn chặn việc cung cấp các mặt hàng lưỡng dụng (dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho Nga.
CNN nhận định, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày càng lo ngại về điều mà họ cho là sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cơ sở công nghiệp quốc phòng Nga. Mỹ đã tìm cách tập hợp các đồng minh để gây áp lực lên Trung Quốc - thông qua các biện pháp ngoại giao hoặc nếu thất bại thì sẽ thay bằng các biện pháp trừng phạt - để ngăn chặn sự hỗ trợ thương mại của Trung Quốc cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Theo Independent, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tự tin cho rằng, các biện pháp trừng phạt lần này, kết hợp với nguồn tài trợ bổ sung mới nhất của Mỹ dành cho Ukraine, sẽ mang lại cho Ukraine lợi thế quan trọng sắp tới.
Trong phản ứng đáp trả, TASS dẫn lời Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố, Mỹ đang tìm cách đe dọa các đối tác của Nga, bao gồm Trung Quốc để chặn các kênh hợp tác thương mại nước ngoài thông thường. Ông Antonov nói: “Các quan chức Mỹ liệt kê nhiều biện pháp khác nhau khi không còn lựa chọn nào khác để ứng phó với Nga, bao gồm cả cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ về việc sử dụng vũ khí hóa học. Đất nước Nga và người Nga không thể bị đe dọa bởi những quyết định như vậy. Những thủ đoạn bất hợp pháp này chỉ khiến các quốc gia khác sợ hãi và trên thực tế, chúng làm tăng thêm sự nghi ngờ của dư luận về khả năng của Mỹ trong việc đóng vai trò mang tính xây dựng trong các vấn đề toàn cầu”.
Tương tự, cũng theo TASS, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho biết, Trung Quốc kiên quyết phản đối lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp của Mỹ. “Chúng tôi sẽ duy trì các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các công ty Trung Quốc”, ông nhấn mạnh. Quan chức này cũng khẳng định, Trung Quốc giữ lập trường khách quan và công bằng về tình hình ở Ukraine và chưa bao giờ cung cấp vũ khí hoặc phương tiện chiến đấu cho bất kỳ bên nào trong cuộc xung đột. Chính phủ Trung Quốc giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng phù hợp với luật và quy định; đồng thời khẳng định các hoạt động tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga tuân theo các nguyên tắc thị trường và quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Nhắm vào công nghệ cao, hóa chất, năng lượng Theo CNN, lần đầu tiên Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt các nhà nhập khẩu cellulose và nitrocellulose, những nguyên liệu chính mà Nga cần để sản xuất thuốc súng, thuốc phóng tên lửa và các chất nổ khác. Lệnh trừng phạt cũng nhằm vào khả năng vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Nga. Trước đó, Thượng viện Mỹ phê chuẩn luật cấm nhập khẩu uranium của Nga, vốn được sử dụng để cung cấp năng lượng cho lò phản ứng hạt nhân thương mại sản xuất điện. Lệnh cấm này được cho là sẽ làm giảm doanh thu của Nga ít nhất 1 tỷ USD. Theo TASS, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, các lệnh trừng phạt một lần nữa nhắm vào các công ty công nghệ cao, vận tải và năng lượng của Nga, điều này đồng nghĩa với ý đồ của Mỹ nhằm “hạ gục” các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường. |
THƯ LÊ