Quốc tế

Sinh viên Mỹ phản đối cuộc chiến tại Gaza

09:02, 02/05/2024 (GMT+7)

Đại học Columbia (Mỹ) đề nghị lực lượng cảnh sát tiếp tục có mặt tại trường ít nhất cho tới ngày 17-5 (sau lễ tốt nghiệp dự kiến ngày 15-5) để bảo đảm an ninh trật tự sau thời gian kéo dài các vụ dựng lều phản đối chiến sự tại Gaza của sinh viên ngay trong khuôn viên trường.

Cảnh sát New York làm nhiệm vụ trong khuôn viên Đại học Columbia. Ảnh: Reuters
Cảnh sát New York làm nhiệm vụ trong khuôn viên Đại học Columbia. Ảnh: Reuters

Ngày 30-4 (giờ Mỹ), cảnh sát New York vào trường Đại học Columbia để buộc sinh viên đang tham gia phong trào biểu tình tại đây ra khỏi khuôn viên trường.

Giọt nước tràn ly

Theo New York Times, bà Nemak Shafik, Chủ tịch Đại học Columbia, gửi thư yêu cầu sự trợ giúp của Sở cảnh sát New York (NYPD). Nội dung thư được công bố sau khi cảnh sát tràn vào tòa nhà Hamilton Hall và bắt những người biểu tình chiếm giữ tòa nhà này từ sáng sớm 30-4.

Trong thư, bà Shafik cho biết:“Việc chiếm giữ tòa nhà Hamilton Hall và việc dựng lều vẫn tiếp diễn làm dấy lên lo ngại an toàn nghiêm trọng với các cá nhân liên quan cũng như toàn cộng đồng. Các hoạt động này thu hút những người biểu tình bên ngoài cổng trường của chúng ta, gây nguy cơ nghiêm trọng với khu học xá và làm gián đoạn khả năng duy trì các hoạt động bình thường của trường đại học”.

Tối muộn cùng ngày, hàng chục cảnh sát đến trường, leo qua cửa sổ vào bên trong tòa nhà. Phần lớn những người biểu tình trong khuôn viên Đại học Columbia đã được đưa đi, dù vẫn còn vài chục người biểu tình hô vang phản đối bên ngoài cổng trường. Trước đó, đại học này cũng có lần cho phép cảnh sát vào trường để dọn dẹp những người dựng lều biểu tình. Khi đó, ban giám hiệu nhà trường vấp phải phản đối gay gắt từ một số sinh viên và giảng viên. Tuy nhiên, ngày 30-4, bà Shafik nói bà không còn lựa chọn. Cũng trong thư, bà cho biết, có một nhóm người xâm nhập trái phép và phá hoại tài sản của trường.

Sinh viên Đại học Columbia dựng lều phản đối cuộc chiến tại Gaza và ủng hộ người Palestine tại khuôn viên trường từ ngày 17-4. Tuy nhiên, sau thông báo của nhà trường khẳng định sẽ “không thoái vốn khỏi Israel” như yêu cầu của những người biểu tình, họ đã xông vào chiếm đóng tòa nhà Hamilton Hall. Sau thương thuyết bất thành với đại diện của các sinh viên tham gia biểu tình, rốt cuộc Đại học Columbia đi đến quyết định nhờ cảnh sát can thiệp.

Các sinh viên yêu cầu gì?

Khởi đầu từ Đại học Columbia và sau đó lan ra khoảng 50 trường đại học ở Mỹ, trong những tuần qua, phong trào sinh viên biểu tình phản đối chiến sự tại Gaza, ủng hộ người Palestine đã lan rộng tới Trung Đông và châu Âu.

Theo Washington Post, từ Kuwait tới Lebanon, tại Ai Cập và tại Ramallah (thành phố của Palestine ở Bờ Tây), sinh viên tham gia các cuộc chiếm đóng những vị trí trung tâm trong khuôn viên nhiều trường đại học trong hai ngày 29 và 30-4, phất cao biểu ngữ yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tại Gaza. Thực tế, mặc dù có nhiều yêu cầu khác nhau, song thông điệp chính của các sinh viên biểu tình là các trường hãy rút vốn khỏi những doanh nghiệp, tổ chức đang có hợp tác làm ăn với Israel. Các trường đại học ở Mỹ thường sử dụng các khoản tiền họ được tài trợ để đầu tư vào một số công ty cụ thể, từ đó gia tăng nguồn ngân sách cho trường.

Yêu cầu thoái vốn này không mới trong các phong trào phản đối hoạt động chiếm đóng của Israel với lãnh thổ của người Palestine. Thực tế, thoái vốn là yêu sách trung tâm trong phong trào Tẩy chay, thoái vốn và trừng phạt (Boycott, Divestment and Sanctions - BDS), một nỗ lực quốc tế nhằm kêu gọi tẩy chay các công ty bị cáo buộc có liên quan tới sự chiếm đóng lãnh thổ của Palestine, cuộc chiến tại Gaza và vi phạm luật pháp quốc tế.

Theo Al Jazeera, trong phong trào biểu tình phản chiến tại Đại học Columbia, sinh viên liệt kê danh sách những công ty họ kêu gọi nhà trường thoái vốn, đó là Lockheed Martin, HEICO, BlackRock, Google và Microsoft. Trong khi đó, trang web của tổ chức Alumni for Palestine ở Đại học New York kêu gọi trường này chấm dứt mọi hợp đồng mua bán hàng với các công ty như Cisco, Lockheed Martin, Caterpillar và General Electric.

Sinh viên tại nhiều trường đại học của Mỹ cũng kêu gọi nhà trường cần minh bạch hơn về hoạt động đầu tư. Một sinh viên tại Đại học Tufts (bang Massachusetts, Mỹ) nói với đài Al Jazeera rằng, một trong những yêu sách lớn nhất của sinh viên là nhà trường hãy công khai các khoản đầu tư.

Tạo sức ép nhất định
“Việc thoái vốn thực sự rất khó thực hiện”, Al Jazeera dẫn phân tích của ông Christopher Marsicano, phó giáo sư ngành giáo dục học tại trường Davidson College ở North Carolina, chuyên gia nghiên cứu về ảnh hưởng của việc thoái vốn khỏi mảng nhiên liệu hóa thạch với ngân sách các trường đại học. Tuy nhiên, dù việc thoái vốn không gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế tới các trường cũng như với Israel, nhưng ảnh hưởng về mặt chính trị sẽ lớn hơn nhiều. “Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã công khai đề cập các cuộc biểu tình của sinh viên ở nhiều đại học của Mỹ rồi. Rõ ràng, các cuộc biểu tình này gây chú ý với Chính phủ Israel và đang tạo sức ép với các bên liên quan trong việc ủng hộ lệnh ngừng bắn”, ông Marsicano bình luận.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.