Quốc tế

Tham vọng dẫn dắt EU của Pháp gặp khó

07:51, 26/04/2024 (GMT+7)

Tham vọng về nước Pháp đóng vai trò dẫn dắt châu Âu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ấp ủ một lần nữa được khơi dậy, qua đó báo trước một số thay đổi chính sách quan trọng của Liên minh châu Âu (EU). Song, vẫn còn những “hòn đá tảng” phía trước thách thức ý định này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một sự kiện ngày 24-4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một sự kiện ngày 24-4. Ảnh: Reuters

Ông Macron được cho là đang tính toán “nước cờ” xa hơn cho EU trong trường hợp sự ủng hộ của Mỹ dành cho các đồng minh trong liên minh này cũng như NATO giảm sút.

“Quyền tự chủ chiến lược”

Theo AP, trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne (Paris) ngày 25-4, Tổng thống Macron phác thảo tầm nhìn về châu Âu với tư cách là cường quốc toàn cầu. Điểm đáng chú ý là sự tái khẳng định ý định đã nêu trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt vào nhiệm kỳ đầu tiên của ông năm 2017, trong đó kêu gọi xây dựng lực lượng phòng thủ, ngân sách và học thuyết chung của châu Âu. Vào thời điểm đó, ông Macron nhấn mạnh các khái niệm “chủ quyền châu Âu” và “quyền tự chủ chiến lược”, và cho đến nay, ông vẫn giữ vững lập trường “tự chủ chiến lược của châu Âu” về kinh tế và quốc phòng khi cho rằng “lục địa già” có thể giải quyết khủng hoảng mà không cần dựa vào Mỹ như lâu nay.

Thực tế, vì không thể tìm kiếm nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử năm 2027, nhà lãnh đạo 46 tuổi này quyết tâm tạo vị thế bền vững của Pháp trên bàn cờ EU, khu vực mà từ lâu ông coi là không thể thiếu trong di sản chính trị của mình. Gần đây, ông Macron đưa vấn đề Ukraine trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6-2024, mặc dù các cuộc thăm dò vẫn chỉ ra bước thụt lùi lớn đối với liên minh chính trị ôn hòa của ông trước đảng cực hữu “Tập hợp Quốc gia”. Reuters dẫn lời nhà ngoại giao Pháp cho biết, kinh nghiệm ngoại giao và các mối quan hệ của Tổng thống Pháp cho thấy ông hội đủ điều kiện để nâng tầm vị thế EU, nhưng điều quan trọng là những thắng lợi về mặt ý thức hệ phải chuyển thành hành động hữu hình. Macron có kinh nghiệm làm việc với cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có thể trở lại Nhà Trắng; đồng thời xây dựng quan hệ với các nhà lãnh đạo của các nền kinh tế mới nổi ở Nam bán cầu cũng như khả năng đàm phán với các nước Arab kể từ cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra.

“Hòn đá tảng” phía trước

Khó khăn về tài chính có thể đảo ngược tham vọng lãnh đạo châu Âu của ông Macron sau khi số liệu  tuần này cho thấy tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp vượt mục tiêu an toàn và tăng lên 5,5% GDP. Trong nỗ lực trấn an thị trường tài chính, Chính phủ đang xem xét cắt giảm phúc lợi xã hội và ngân sách cho chính quyền địa phương, động thái dễ gây phẫn nộ về mặt chính trị ở Pháp - quốc gia coi gói phúc lợi hào phóng của mình là bất khả xâm phạm.

Trong những tuần qua, ông Macron nhắm đến tạo động lực trên khắp châu Âu để hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh sự hỗ trợ của Mỹ vẫn còn nhiều bất ổn liên quan cuộc bầu cử tổng thống sắp tới và triển vọng của Ukraine trên chiến trường vẫn ảm đạm. Tuy nhiên, thành công của ông Macron trong việc đảm nhận vai trò lãnh đạo châu Âu sẽ phụ thuộc vào khả năng bảo đảm cam kết biến cam kết thành hành động và khả năng thuyết phục Đức thuận theo ý tưởng của Pháp về một châu Âu mạnh mẽ hơn. Những gì Pháp cần lúc này để hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này là ngân sách dồi dào để viện trợ nhiều hơn cho Ukraine và  dự án quốc phòng châu Âu, cùng với kỷ luật tài chính để duy trì niềm tin của các đồng minh trong EU.

Pháp cam kết viện trợ quân sự lên tới 3 tỷ euro cho Ukraine trong năm nay trong thỏa thuận an ninh đã ký với Ukraine. Song, số tiền đó vẫn chưa được lập ngân sách rõ ràng. Điều này làm dấy lên nghi ngờ và lo ngại giữa các đồng minh, đặc biệt là Đức. Politico dẫn lời ông Mujtaba Rahman, người đứng đầu khu vực châu Âu của Eurasia Group, cho biết: “Khi lên nắm quyền vào năm 2017, ông Macron cam kết sẽ trở thành nhà cải cách vĩ đại, kiểm soát tài chính công và xây dựng uy tín với Đức. Song, toàn bộ hình ảnh đó đang gặp thách thức”.

Tổng thống Macron và các đồng minh mất thế đa số tuyệt đối trong Quốc hội, nơi các cuộc tranh luận gay gắt gần đây về cải cách lương hưu nhà nước. Ông Macron sẽ phải nỗ lực để ban hành luật cắt giảm ngân sách giữa lúc sự chia rẽ đang lớn dần ở Hạ viện giữa những người trung dung, cực tả và cực hữu.

Theo Bloomberg ngày 24-4, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sắp diễn ra nhằm tìm cách đảm bảo một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Song, Tổng thống Macron, một trong những nhân vật chủ chốt đằng sau ủng hộ bà vào vị trí lãnh đạo trước đây, liên tục công khai chỉ trích cách tiếp cận của chính trị gia này trong điều hành EC. Ông Macron đã liên lạc với các nhà lãnh đạo EU khác về các ứng cử viên tiềm năng để thay thế lãnh đao đương nhiệm, cụ thể là cựu Thủ tướng Ý và Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Dragh. Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Macron có thực sự tìm cách lật đổ bà hay chỉ đơn thuần gây áp lực để đạt được những nhượng bộ từ bà trong tương lai.

THƯ LÊ

.