Quốc tế

Vì sao Anh đưa người nhập cư bất hợp pháp đến Rwanda?

09:23, 03/05/2024 (GMT+7)

Đến nay, có hàng chục vạn người nhập cư bất hợp pháp đang cư trú ở Vương quốc Anh trong các khu vực kiểm soát hoặc lẫn trốn khắp nơi, gây ảnh hưởng cả về chính trị, kinh tế, xã hội. Để giải quyết bài toán khó này, chính quyền của Thủ tướng Rishi Sunak tiến hành những biện pháp mạnh và cứng rắn, trong đó là trục xuất họ sang một nước thứ ba nhằm tăng răn đe.

Telegraph gần đây dẫn số liệu của Bộ Nội vụ Anh cho biết, tổng số người nhập cư bất hợp pháp, trong đó chủ yếu vượt biên theo đường biển vào Anh lần đầu tiên vượt con số 5.000 người trong 3 tháng đầu năm 2024, cao hơn 1/3 so với cùng thời điểm năm 2023 và cao hơn khoảng 1/5 so với tổng số người vượt biển vào Anh trong quý 1- 2022, năm có số người vượt biên cao nhất vào Anh.

Tháng 12-2023, sau khi hội đồng thẩm phán tại Tòa án Tối cao Anh (SCUK) phán quyết kế hoạch đưa người nhập cư bất hợp pháp sang Rwanda là “vô nhân đạo”, không phù hợp nghĩa vụ của Anh theo quy định của các hiệp ước quốc tế và cảnh báo nguy cơ về việc “tái định cư” này, chính quyền của Thủ tướng Sunak tìm cách thay đổi phán quyết này bằng cách nâng cấp thỏa thuận giải quyết vấn đề người tị nạn giữa Anh và Rwanda lên thành hiệp ước. Theo đó, Rwanda cam kết không bao giờ gửi trả bất kỳ người xin tị nạn nào trở lại đất nước mà họ xuất phát ban đầu.

Một số nghị sĩ Anh cho rằng, quy định đó chưa đủ cứng rắn để ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp, nhưng một số khác tỏ ra lo ngại dự luật cứng rắn hơn đồng nghĩa với việc chính phủ Anh vi phạm luật pháp và các nghĩa vụ quốc tế. Phản biện lại các ý kiến này, Người phát ngôn Văn phòng Thủ tướng Sunak cho biết, đây là dự luật cứng rắn nhất từng được đưa ra trước Quốc hội để thảo luận, xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau và chính phủ sẽ cố gắng bảo đảm dự luật có hiệu lực.

Sau những nỗ lực không mệt mỏi của ông Sunak, ngày 23-4, Quốc hội Anh bỏ phiếu phê chuẩn dự luật cho phép đưa người nhập cư trái phép vào nước này tới Rwanda trong thời gian chờ đợi xem xét đơn xin nhập cư của họ. Và chỉ 8 ngày sau khi Quốc hội thông qua dự luật, ngày 1-5, Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly cho biết, các cơ quan chức năng đang đẩy nhanh tốc độ để bắt giữ những người nhập cư không đủ quyền hạn ở lại nước này để trục xuất sang Rwanda.

Chi phí cho kế hoạch này có thể thay đổi tùy theo số người được đưa đến Rwanda và thời gian lưu trú. Để triển khai việc trục xuất bằng đường biển, Anh đồng ý trả trước cho Rwanda 490 triệu bảng, cùng với 80 triệu bảng cho chi phí thiết lập và thêm 20.000 bảng cho mỗi người tái định cư. Dự kiến, tổng chi phí cao nhất lên đến tới 3,9 tỷ bảng (5 tỷ USD) trong vòng 5 năm. Theo kế hoạch, ban đầu sẽ có hàng trăm người được đưa đến Rwanda mỗi tuần và con số sau đó sẽ tăng dần lên hàng nghìn.

Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Chính sách công (IPPR) có trụ sở tại London (Anh) cho rằng, số tiền thực tế mà Anh sẽ phải chi trả có thể lên tới 230.000 bảng/người, tùy thuộc thời gian họ ở lại quốc gia châu Phi này. Con số này cao hơn rất nhiều so với chi phí ước tính 55.000 bảng/người mà Chính phủ Anh dự kiến chi cho những người tị nạn trong hai năm.

Bất đồng sâu sắc còn tồn tại về dự luật liên quan khoản chi phí khổng lồ cùng với rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện đặt Chính phủ Anh trước bài toán khó về người di cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, Chính phủ Anh coi đây là bước tiến lớn để nhằm giải quyết vấn đề di cư trái phép nói chung, và người nhập cư vào Anh bằng thuyền nói riêng. Thủ tướng Sunak bày tỏ sự hài lòng với những hành động tiên phong của Bộ Nội vụ Anh khi nhanh chóng triển khai luật vừa được Quốc hội thông qua bởi đây là một phần trong chính sách rất kỳ vọng có thể giúp đảng Bảo thủ của ông giành sự ủng hộ của những cử tri đang do dự trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

LÊ MINH HÙNG

.